Sáng 29-4, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng đề nghị chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xác minh các hợp đồng mua bán, vận chuyển cát của Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam – nhà thầu thi công dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Trong văn bản, ông Linh cho hay Tây Giang là một huyện miền núi, cách TP Đà Nẵng 120 km về phía Tây, nguồn tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu nằm dọc theo các sông suối nhưng trữ lượng rất ít, không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn huyện không có mỏ cát, UBND tỉnh Quảng Nam cũng không cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện. “Thông tin huyện Tây Giang có mỏ cát cả triệu khối là không chính xác, làm ảnh hưởng uy tín của huyện” – Phó chủ tịch huyện Tây Giang bức xúc.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định ông chưa hề ký bất kỳ văn bản nào cho phép khai thác cát ở Tây Giang vì địa phương này hoàn toàn không có mỏ cát. “Tôi đã giao cho công an tỉnh điều tra vụ việc. Đây là họ giả mạo. Họ lấy râu ông này cắm cằm ông kia để ra một văn bản như vậy" - ông Toàn nói.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 27-3, sau khi bị nghi ngờ sử dụng cát trộm ở Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động.
Ngày 4-4, dự án trên được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho thi công trở lại vì chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay chứng minh nguồn cát “hợp lệ”. Theo đó, nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam lấy cát từ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), đá khai thác từ các mỏ thuộc Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và Đại Lộc (Quảng Nam).
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho phép thi công trở lại sau khi chủ đầu tư giải trình cát được lấy từ Tây Giang
Công ty Trung Nam đưa ra bằng chứng là Quyết định số 1193 ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (huyện Tây Giang). Quyết định do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, cho phép Công ty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến tháng 5-2019.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy quyết định trên bị làm giả bởi tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ ban hành quyết định cho phép khai thác cát ở Tây Giang. Quyết định cùng số, cùng ngày, cùng người ký trên chính xác là quyết định về việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Đáng chú ý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Công ty Tây Trường Sơn đã giải thể từ lâu, tính đến tháng 2-2017, doanh nghiệp trên đang nợ thuế hơn 2,3 tỉ đồng. Dù thế, ngày 20-9-2016, Công ty Trung Nam có ký hợp đồng với Công ty Tây Trường Sơn, mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá 45 tỉ đồng. Phải chăng đây là một bản hợp đồng khống?
Bình luận (0)