Ngày 21-7, bên hành lang Quốc hội (QH), nhiều đại biểu (ĐB) nêu ý kiến về trách nhiệm cá nhân và tập thể để Formosa xả thải độc hại gây chết cá ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua.
Có nên để tồn tại?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhận xét công tác quản lý môi trường dường như đang có vấn đề, việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, nhất là trong vụ Formosa. “Nói trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cả thì cũng không hẳn, họ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo nhưng theo dõi kiểm tra thì như thế nào?” - ông Ngân đặt vấn đề.
Ông Ngân đánh giá với vụ việc này, Chính phủ đã tập trung xử lý tốt, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. “Chúng ta đồng tình với quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường, không huy động vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Những dự án như Formosa không chỉ là của Hà Tĩnh mà liên quan đến hàng loạt tỉnh miền Trung. Do đó, phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở TN-MT giải quyết. Xử lý vấn đề này cần cả một ủy ban của quốc gia” - ông Ngân chỉ rõ. Ông Ngân cũng đặc biệt nhấn mạnh quan điểm cá nhân ông là không nên để dự án này tồn tại.
Về giải quyết vấn đề hậu đầu tư nếu như không để dự án này tồn tại nữa, ông Ngân cho rằng Chính phủ cần có sự minh bạch. “Cần rà soát lại toàn bộ vấn đề môi trường, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững. Những dự án nào không thỏa mãn các tiêu chí về môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả của việc đó không lớn bằng hậu quả một nhà đầu tư có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường” - ông Ngân nói.
Đủ khả năng giám sát
Trước vấn đề cơ quan nào chịu trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng mà Formosa gây ra, ông Trương Minh Hoàng, ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho biết hiện nay, các cơ quan chức năng đang làm rõ. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thừa nhận việc này có phần chậm và cần đốc thúc nhanh hơn nữa. Đối chiếu lại các văn bản quy định pháp luật để xem chức trách, thẩm quyền của ai để chỉ đạo, xử lý nghiêm và cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức liên quan.
Cho ý kiến về việc thành lập đoàn giám sát Formosa, ĐB Trương Minh Hoàng nhìn nhận với chức năng của Ủy ban Thường vụ QH thì việc thành lập đoàn giám sát của QH kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để giám sát Formosa là hoàn toàn đủ thẩm quyền, đủ khả năng.
“Trong quá trình Ủy ban Thường vụ QH xây dựng chương trình giám sát năm 2016-2017, tôi sẽ đề nghị đưa vào giám sát vấn đề này. Không riêng gì Formosa mà các nơi quy hoạch chất thải nguy hại, khu công nghiệp… cũng cần sớm thành lập cơ quan giám sát để tránh để xảy ra sự việc tương tự” - ông Hoàng nói.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng nếu có sự tham gia của QH thì càng tốt. “Chính phủ chắc chắn sẽ rất hoan nghênh nếu có giám sát của QH bởi giám sát của cơ quan này là trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có MTTQ, các cơ quan nhà nước, QH giám sát tối cao, ở góc độ pháp luật, các chủ trương lớn” - ông Hà phân tích.
Trong khi đó, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện Ủy ban Thường vụ QH chưa nhận được ý kiến này và nếu thành lập thì phải có quy trình, theo quy định của pháp luật.
Không biết, không chịu trách nhiệm
Liên quan đến trách nhiệm giám sát của QH trong thời gian tới đối với các dự án lớn, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tùy từng trường hợp sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan trung ương, bộ, ngành giám sát. Những dự án lớn, nhạy cảm thì phải báo cáo QH hoặc Chính phủ quyết định. Những dự án tuy nhỏ nhưng có ảnh hưởng đối với môi trường lớn, từ trung ương đến địa phương cùng quản lý, không phải nơi nào chỉ biết có nơi ấy.
Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận), nếu chính quyền địa phương có đội ngũ cán bộ công chức đạt chuẩn thì có lẽ không đến mức rất nhiều vấn đề đã xảy ra nhưng chính quyền địa phương cái gì cũng không biết, cái gì cũng không chịu trách nhiệm. “Nếu trông chờ vào hoạt động giám sát của QH mang lại hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý của các địa phương trên cả nước thì tôi thực sự nghĩ là không” - ông Cương thẳng thắn.
Bình luận (0)