Sáng 25-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết sự kiện xả chất thải độc hại từ nhà máy Formosa hay Vedan trước đó đang đặt ra yêu cầu giám sát và thẩm định của các cơ quan chức năng trong quá trình kêu gọi và thẩm định dự án đầu tư, nhất là những dự án có nguy cơ xả thải cao.
Tình trạng trên đang được dư luận và cơ quan truyền thông lo ngại đến khả năng xả thải ra sông Hậu của dự án sản xuất bột giấy từ Nhà máy Giấy Lee & Man (Hồng Kông-Trung Quốc) tại Hậu Giang cũng như 29 nhà máy khác thuộc về ngành thuỷ sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường… trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Ông Chung Wai Fu-tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam giới thiệu hệ thống xả thải của nhà máy.
“Quan điểm của VCCI luôn đặt vấn đề môi trường là ưu tiên, cần có giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, minh bạch về thông tin, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thoả mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định. VCCI đã đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang rà soát và cần tổ chức họp báo sớm cung cấp thông tin về dự án trước công luận”, ông Lam nhấn mạnh.
Vừa qua, Bộ Công thương vừa có đề xuất với Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai dự án Nhà máy sản xuất bột giấy (công suất 330.000 tấn/năm) của Công ty TNHH Lee &Man do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường. Nếu đề xuất này được thông qua thì công ty đến từ Hồng Kông -Trung Quốc sẽ chỉ còn lại một nhà máy sản xuất giấy có công suất 420.000 tấn/năm
Theo Bộ Công Thương, vùng ĐBSCL có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp khi trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ gỗ phải dùng nhiều hóa chất nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Bình luận (0)