Ngày 23-2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN) đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII. Tại hội nghị, nhiều ĐB đã bày tỏ nguyện vọng có thêm nhiều ĐBQH là người ngoài Đảng và ĐB chuyên trách, hạn chế ĐB từ cơ quan hành pháp.
Ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đóng góp ý kiến tại hội nghị
Tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Tại hội nghị, ông Trương Công Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, đề nghị tăng thêm ĐB chuyên trách và bớt đi ĐB từ cơ quan Chính phủ, tránh việc vì thiếu người mà các ủy ban của QH phải “đẩy” việc sang Chính phủ như việc xây dựng luật.
Đồng tình với ông Phú, ông Đỗ Duy Thường, nguyên phó chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, cho rằng QH cần tiến tới thực sự chuyên nghiệp và ĐB chuyên nghiệp.
Ông Lưu Văn Đạt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, đề nghị chỉ bầu một số ĐB cơ quan hành pháp vào QH làm đại diện như Thủ tướng, Phó Thủ tướng... để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Theo ông Đạt, các vị ĐB là lãnh đạo Trung ương và địa phương thường vắng mặt ở các cuộc họp vì bận việc và người dân hiếm khi thấy một chủ tịch tỉnh chất vấn tại hội trường.
Dự kiến đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 14%
Trong tổng số ĐBQH khóa XIII là 500 người, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, dự kiến, số ĐBQH ở Trung ương là 183 ĐB (36,6%); số ĐBQH ở địa phương là 317 (63,4%). Số ĐBQH là người dân tộc thiểu số: 90 (18%); ĐBQH là phụ nữ: 150 (30%); ĐBQH là người ngoài Đảng (các địa phương căn cứ tình hình để có cơ cấu thích hợp): khoảng 10%-15%; ĐBQH trẻ (dưới 40 tuổi) khoảng 70 ĐB (14%); ĐBQH khóa XII tái cử khoảng 160 ĐB (32%)... Dự kiến, MTTQ và các tổ chức thành viên là 31 ĐB (6,2%). |
Ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, cho rằng cơ quan hành pháp cũng tự nguyện rút bớt ĐB mà không cần phải có ý kiến đề nghị.
Ông Thám nói: “QH mạnh là phải có những ĐB đủ điều kiện về trình độ, năng lực, thời gian. Chủ tịch UBND tỉnh thì cứ nên làm chủ tịch cho chu đáo, để người khác làm ĐBQH”.
Ông Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đề nghị không nên cơ cấu nhiều ĐB là bộ trưởng, chủ tịch, thường trực tỉnh... Theo ông, các vị này cần có thời gian lo việc cho dân tốt hơn.
Nên có 10% tự ứng cử
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, đề nghị cần mạnh dạn đưa thêm ĐB là người ngoài Đảng và tăng thêm số ĐB chuyên trách, hướng tới QH đa phần là ĐB chuyên trách.
Ông Đỗ Duy Thường, cho rằng tỉ lệ người ngoài Đảng nên là 20%. Ông Lưu Văn Đạt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, kiến nghị QH chỉ cần 60% ĐB là đảng viên thì vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Theo ông Đạt, cần khuyến khích được người có tâm, tài ứng cử.
Một vấn đề khác được các ĐB thảo luận là việc tự ứng cử. Ông Trần Hoàng Thám đề nghị đã đến lúc phải có 10% ĐB tự ứng cử và cách tổ chức phải bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa ĐB tự ứng cử và các ứng viên khác. Theo ông Thám, hiện nay mới chỉ thấy đưa ra cơ cấu đề cử mà không có cơ cấu tự ứng cử là không nên.
Ông Trương Công Phú cho rằng cần tính tới ĐB Việt kiều vì đây là quyền lợi chính đáng của bà con người Việt ở nước ngoài và có nhiều bà con tâm huyết, tài năng có thể đóng góp nhiều cho đất nước. Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng thêm số ĐB doanh nghiệp, ĐB phụ nữ...
Tiếp thu ý kiến ĐB, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định sẽ báo cáo đầy đủ với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ QH. Đối với góp ý của các ĐB tăng tỉ lệ ĐB ngoài Đảng, ĐB doanh nghiệp, ĐB phụ nữ... theo ông Uông Chu Lưu là xác đáng và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH.
Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ QH sẽ điều chỉnh về cơ cấu, thành phần. Sau đó, từ ngày 16-3, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương sẽ giới thiệu người ứng cử.
Bình luận (0)