Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa trên đường Điện Biên Phủ (nằm sát là Cột cờ Hà Nội) trong lễ Quốc tang ngày 13-10
Trao đổi với BáoNgười Lao Động, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử học Việt Nam, thành viên Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội, cho biết đang có một đề xuất được khá nhiều người quan tâm, ủng hộ xung quanh việc chọn đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Thủ đô.
Đó là việc sửa tên đường Điện Biên Phủ, đường cắt ngang qua đường Hoàng Diệu - nơi có ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, thành đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp.
Theo nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sinh sống ở ngôi nhà 30 Hoàng Diệu trong nhiều năm. Ở đó, ông đã gặp gỡ nhiều tướng lĩnh, nhà lãnh đạo và quần chúng nhân dân trong quá trình chỉ đạo cuộc chiến tranh cứu nước cũng như sau này. Chính vì thế, không chỉ có Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam mà còn có nhiều tổ chức khác đề xuất sử dụng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp. “Nên hình dung đó là không gian lịch sử” - ông Quốc bày tỏ.
Người dân treo cờ rủ trên đường Điện Biên Phủ trong Lễ quốc tang Đại tướng. Ảnh: Nguyễn Quyết
Theo ông Dương Trung Quốc, việc chọn con đường nào ở Thủ đô mang tên cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Các tuyến đường đã mang tên rồi mà đổi thành đường mang tên Đại tướng cũng là điều tránh, nhất là các tên cũ cũng rất đáng lưu danh.
“Việc kiếm một con đường mới, tương xứng với tầm vóc của Đại tướng là điều không dễ bởi chúng ta chưa chuẩn bị gì cả và điều đó cũng cần hoạch định và thông qua ở HĐND TP Hà Nội nữa. Nhưng tôi cho rằng có một ý kiến đề xuất rất hay: Để tương xứng với Đại tướng và phù hợp với quỹ đường hiện nay thì có thể chọn đường Điện Biên Phủ mang tên Đại tướng, tức là đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp hoặc Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ” - ông Quốc nói.
Riêng đối với con đường Nhật Tân - Nội Bài sắp hoàn thành trong thời gian tới, ông Dương Trung Quốc cho biết đã có những kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng Tháng 8, vì nối liền từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. “Ở Huế và TP HCM đều đã có đường Cách mạng Tháng 8, còn Hà Nội là trung tâm của Cách mạng Tháng 8 thì lại chưa có tên đường. Riêng đường Điện Biên Phủ đi qua 1 công viên nữa nên cũng có ý kiến cho rằng có thể lấy tên công viên đó là Võ Nguyên Giáp và đặt tượng Đại tướng ở trong đó cũng được. Tôi cho rằng ý kiến này cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Lúc này nên tin tưởng vào quyết định đúng đắn của lãnh đạo Hà Nội” - nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Hết sức cẩn trọng chọn đường mang tên đại tướng
Trao đổi với Báo Người Lao Động bên lề Quốc hội sáng 22-10, Bí thư Thành ủy Hà Hội Phạm Quang Nghị cho biết việc đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và các tầng lớp trí thức, ngay cả trên báo chí ý kiến về vấn đề này cũng khác nhau, thậm chí trái chiều. “Do vậy việc chuẩn bị đặt tên đường mang tên Đại tướng phải được nghiên cứu hết sức cẩn trọng” - ông Nghị nói.
T. Dũng
|
Bình luận (0)