Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết đã có đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2-5 năm tại buổi gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) chiều 12-5.
Theo ông Liệu, tại dự thảo mới nhất của Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng còn lại theo phương thức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi với nam.
Riêng lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân. Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ huu vẫn được thực hiện như quy định hiện hành.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa. Với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm.
Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ, tuy nhiên đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Cũng theo ông Liệu, số lượng người hưởng lương hưu ngày càng tăng lên. Nếu như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu.
Cùng đó, số tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Hiện số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm.
Bình luận (0)