Ngày 11-3, tại Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) đã tổ chức hội thảo “Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn”.
Lái xe khi say như vung dao giữa chợ!
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, nguyên nhân kích thích thần kinh chủ yếu do bia, rượu. Chưa bao giờ chỉ trong 1 tháng (tháng 2-2015) mà có 17.000 người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. “Người say lái xe như cầm dao vung giữa chợ” - ông Hùng ví von. Về đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc, ông Hùng nói: “Việt Nam có khoảng 40 triệu xe máy - rất nhiều. Nếu cứ đi trên đường cao tốc thì đường cao tốc sẽ trở thành đường làng”.
Ông Hùng cho rằng vấn đề mà Ủy ban ATGT quốc gia hướng đến là để có một thông điệp đủ sức tạo nên cảnh báo thường xuyên với người tham gia giao thông: Đã uống rượu, bia thì không lái xe. Do vậy, Ủy ban ATGT quốc gia mới đề xuất một chế tài nặng chưa từng có ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Huy Quang (Vụ Pháp chế - Bộ Y tế), 35 người chết, 82 người bị thương mỗi ngày vì tai nạn giao thông khiến chúng ta giật mình và phải suy nghĩ. Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội, ủng hộ đề xuất chế tài mạnh, trong đó có giải pháp tịch thu xe. Tuy nhiên, theo ông, để giải pháp này trở nên khả thi, cần tiếp tục được nghiên cứu, bàn luận. “Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép tịch thu phương tiện đối với hành vi nghiêm trọng do lỗi cố ý. Nếu trong luật quy định chưa rõ thế nào là “nghiêm trọng” thì nghị định phải xác định, giải thích. Bên cạnh đó, với những băn khoăn về đề xuất này còn chưa khả thi vì liên quan đến vấn đề sở hữu, người thứ ba, Bộ Luật Dân sự… thì cũng phải tiếp tục bàn” - ông Cương nói.
Theo ông Ngô Dương (Viện Nhà nước Pháp luật), vấn đề gây tranh cãi liên quan đến đề xuất tịch thu xe chính là tài sản của cá nhân. “Tôi cho rằng giải pháp đầu tiên nên theo hướng tăng nặng hình phạt tiền, còn tịch thu phương tiện chỉ là hình phạt bổ sung. Nếu lái xe vi phạm về nồng độ cồn từ lần thứ hai trở đi thì tịch thu xe” - ông Dương kiến nghị.
“Sốc” nhưng gây được thông điệp lớn
Dùng hình ảnh đạn đã lên nòng, lựu đạn đang mở chốt để so sánh với mức độ nguy hiểm của những người lái xe khi say rượu, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng mức phạt hiện nay chỉ có ý nghĩa với người nghèo, sẽ không là gì với “con nhà đại gia” cùng những bữa tiệc “bay đêm” vài trăm triệu đồng.
Theo luật sư Hải, đề xuất tịch thu xe là biện pháp “sốc” nhưng gây được thông điệp lớn trong xã hội. Tuy nhiên, đề xuất này cần quy định về thời gian thực thi. Cụ thể, chỉ áp dụng sau 6 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực. Trong thời gian này sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có tinh thần chuẩn bị.
Luật sư Hải nêu một vấn đề mà dư luận lo ngại đối với đề xuất này là có thể làm CSGT lạm quyền, gia tăng tình trạng hối lộ và tùy tiện trong xử lý. “Chỉ nên giao chủ tịch UBND cấp huyện hoặc tỉnh có thẩm quyền ra quyết định tịch thu xe, đồng thời chính quyền phải tham gia giám sát quá trình kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. UBND cấp tỉnh phải thông qua kế hoạch, quy trình kiểm tra của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, khi kiểm tra nồng độ cồn, bắt buộc phải ghi hình (video) để làm bằng chứng” - luật sư Hải đề nghị.
Theo luật sư Hải, những biện pháp trên nhằm tránh việc kiểm tra tùy tiện, chỉ “phục” ở những quán bán rượu, bia để xử phạt.
Phải phù hợp cả lý và tình
Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng tình với việc phải có những chế tài mạnh nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần xem lại những đề xuất này có trái các quy định hay không và đã hợp tình chưa. Theo bà Khá, trong tình hình hiện tại, nên tăng nặng mức xử phạt bằng tiền hoặc các mức phạt bổ sung đối với những hành vi vi phạm luật giao thông. Đối với những trường hợp cố tình, vi phạm nhiều lần, có thể tịch thu bằng lái một thời gian hoặc vĩnh viễn. “Nếu vi phạm lần đầu và không phải là hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc không cố ý mà đã tịch thu xe là không nên” - bà Khá nêu quan điểm.
Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng xe bị tịch thu có chiếc chỉ 5 triệu đồng nhưng cũng có chiếc cả tỉ đồng. Nếu cứ uống rượu say và đi vào đường cao tốc mà bị tịch thu thì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề xã hội khác. “Nếu vì một chế tài hà khắc mà lại đưa người dân vào tình trạng khốn cùng thì rất khó được chấp nhận” - ông Đương nói.
Bình luận (0)