Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, năm nay Hà Nội không bắn pháo hoa vào giờ giao thừa. Thay vào đó, đêm giao thừa sẽ diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, trung tâm quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, trước cổng sân vận động Mỹ Đình. Trung tâm các quận, huyện, thị xã sẽ có biểu diễn nghệ thuật cả đêm giao thừa và các ngày mùng 3, 4, 5 Tết. Dự kiến sẽ có tổng cộng 60 suất biểu diễn.
Trong thời gian từ ngày 24-1 đến 7-2, một số rạp ở Hà Nội sẽ tổ chức chiếu phim với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, Thủ đô đổi mới”. Chương trình Tết Việt được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội mở cửa đón khách trong suốt dịp nghỉ Tết.
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã treo 3.000 băng rôn dọc các trục đường, các tuyến phố chính trung tâm TP; trang trí chiếu sáng 7 tuyến đường, phố trung tâm, gồm: Tràng Tiền, Hàng Bài, Ngô Quyền, Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Điện Biên Phủ; lắp dựng mô hình biểu tượng đài sen trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước và khu vực vòng xuyến trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Người dân Hà Nội náo nức đón Tết Ảnh: Nguyễn Hưởng
Hà Nội cũng lắp dựng 13 cụm pano cố định ở một số tuyến đường khu vực trung tâm và các cửa ngõ như ngã tư Lê Duẩn - Đại Cồ Việt, phố Trần Nhân Tông (Công viên Thống Nhất), Ngã Tư Sở, Yên Phụ, khu vực đối diện Bến xe Nước Ngầm... 14 cụm pano 2 mặt được treo ở một số dải phân cách tại các tuyến phố chính như Kim Mã, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong...
Trước đó, ông Động cho hay đã có văn bản đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa rung chuông tại thời điểm giao thừa khi TP Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa. Ông cho rằng sự cộng hưởng của tiếng chuông sẽ báo thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới đến rộng khắp mọi người. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017 tổ chức sáng 21-1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng nên dừng việc rung chuông.
“TP không có chủ trương, quy định nào về việc rung chuông lúc giao thừa. Theo tôi, không nên chỉ đạo các cơ sở tôn giáo làm thế. Nơi nào có nhu cầu thì thực hiện” - ông Quý nói, đồng thời đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nghiên cứu thêm.
Trước ý kiến trên, ông Động cho biết ngành chỉ khuyến khích chứ không ép buộc. “Về cơ bản thì đình, chùa, di tích hằng năm cũng rung chuông trong đêm giao thừa nhưng chúng tôi muốn tổ chức bài bản hơn, tập trung hơn để người dân đón nhận một năm mới đầy ý nghĩa và trang nghiêm” - ông Động giải thích.
Cũng không bắn pháo hoa trong đêm giao thừa và thay vào đó, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu vực trung tâm TP. Theo đó, tại khu vực Công viên cầu Rồng sẽ có chương trình nghệ thuật đêm giao thừa mừng Đảng đón Xuân bắt đầu từ 22 giờ ngày 27-1 (tức 30 Tết) đến 0 giờ 15 phút ngày 28-1.
Trong các tối từ 28 đến 31-1, tại vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào Xuân Đinh Dậu. Đà Nẵng cũng tổ chức Hội Hoa Xuân cùng các chương trình nghệ thuật khác phục vụ người dân vui chơi Tết. Dịp này, cầu Rồng cũng phun lửa, phun nước trên điệu nhạc vào các đêm 29, 30, mùng 1 và mùng 2 Tết.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, TP dự kiến đón khoảng 243.230 lượt du khách đến tham quan, du lịch - tăng khoảng 9,5% so với Tết Bính Thân 2016. Trong đó, khách quốc tế sẽ đạt hơn 100.000 lượt, tăng 26,6%.
Bình luận (0)