Dò ống nước bể là tên gọi khá lạ lẫm với nhiều người nhưng là công việc quen thuộc, thầm lặng của hàng trăm công nhân (CN) các công ty cấp nước trên địa bàn TP HCM.
"Bác sĩ" ngành nước
Khi nghe lãnh đạo Công ty Cấp nước Tân Hòa nhắc đến CN dò ống nước bể, tôi không khỏi tò mò và muốn biết cụ thể công việc của các anh là gì.
22 giờ, khi xe cộ thưa dần cũng là lúc bắt đầu ca làm việc của những người thợ dò ống nước bể. Hẹn nhóm CN ở đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, tôi được mục sở thị công việc của những "bác sĩ" ngành nước.
Anh Trần Ngọc Tuấn, người có hơn 5 năm trong nghề, cho biết trước 23 giờ, xe máy chạy đông ở các đường lớn nên phải vào hẻm kiểm tra trước, rồi khuya mới ra đường chính. Điểm kiểm tra lần này là một khu dân ở các hẻm nhánh đường Tân Sơn Nhì. Hai CN thành một nhóm với dụng cụ là thiết bị thu tín hiệu rà dưới mặt đường kết nối với máy khuếch đại tần số truyền âm thanh đến tai nghe. CN cũng mặc áo phản quang để mọi người dễ nhìn thấy, xe cộ trên đường dễ tránh và để… không bị nhầm lẫn với dân trộm cắp.
Công nhân dò ống nước của Công ty CP Cấp nước Tân Hòa đi thành nhóm 2 người để hỗ trợ nhau khi làm việc vào ban đêm
Lãnh đạo Công ty Cấp nước Tân Hòa cho biết mỗi nhóm 2 người là để hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố cũng như bảo quản máy móc, phương tiện được tốt hơn. Trong lúc tôi đi cùng anh Tuấn, 5 nhóm khác cũng tỏa ra những khu vực có tỉ lệ thất thoát nước cao để tìm kiếm điểm xì, bể.
Anh Tuấn cho biết trong đêm có rất nhiều âm thanh hỗn tạp phát ra và truyền vào tai nghe, tiếng xì, bể chỉ là một phần. Mỗi loại tiếng động có đặc trưng riêng, từ tiếng máy lạnh, máy biến thế, tiếng nước cống… cho đến tiếng xe máy. Chỉ có người trong nghề nghe nhiều mới phát hiện sự bất thường để đánh dấu và kiểm tra lại vào hôm sau bằng thiết bị chuyên dụng.
Tôi đeo thử tai nghe, những âm thành rèn rẹt, ù ù liên tục phát ra. Thỉnh thoảng có xe đi qua thì âm thanh dội vào rất khó chịu. Anh Tuấn cho biết những ngày đầu làm việc, nghe liên tục trong nhiều giờ khiến tai bị ù, cảm giác rất khó chịu. Về sau, khi quen dần cùng với sự chỉ dẫn của người trong nghề, anh chọn tần số vừa phải nhưng vẫn có thể phát hiện được điểm xì, bể. "Không phải cứ có tiếng xì, bể chỗ nào là chỗ đó có sự cố. Nhiều trường hợp chỗ xì, bể cách chỗ nghe đến vài mét" - Tuấn giải thích khi tôi thắc mắc việc anh rà đi rà lại một chỗ.
Hiểm nguy rình rập
Đúng 22 giờ 45 phút ngày 4-5, chiếc ô tô chở 9 CN dò ống nước bể của Công ty CP Cấp nước Trung An rời trụ sở hướng về địa điểm kiểm tra ở phường 16, quận Gò Vấp. Mỗi điểm dừng có 2 người nhưng sau đó, họ tách ra đi dò tìm ở các con hẻm ngoằn ngoèo được xác định từ trước.
Tôi đi theo anh Nguyễn Xuân Hải, người có thâm niên 18 năm trong nghề, đến hẻm 276 Thống Nhất. Anh Hải cho biết lần kiểm tra gần nhất ở khu vực này cách đây 3 tuần. Lúc trước, anh Hải làm việc ở Công ty Cấp nước Gia Định, khi đơn vị này tách ra thì anh chuyển về Xí nghiệp Cấp nước Trung An (nay là Công ty CP Cấp nước Trung An).
Dáng người nhỏ thó trong trang phục của công ty, anh Hải dò từng bước trong hẻm lúc đồng hồ đã điểm hơn 23 giờ. Đối với những CN dò ống nước bể, thời gian từ 23 giờ đến 3 giờ sáng là "giờ vàng" bởi yên tĩnh, ít xe cộ qua lại và chủ nhà cũng ít sử dụng nước.
Dưới ánh đèn vàng, anh Hải cứ đi 2-3 bước thì dừng lại, đặt máy thu âm thanh xuống nền đường. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy chạy vụt qua khiến tôi hoảng hồn. Hải cho biết chuyện bị xe đụng khó thể tránh khỏi và may mắn là anh mới chỉ bị một lần. "Thời làm ở chi nhánh Gia Định, đang dò ở đường Quang Trung thì tôi bị xe máy từ sau đụng tới. Người đi xe máy tông tôi là một ông nhậu khuya về đã say xỉn, tay lái loạng quạng. May mà chân cẳng tôi không bị sao" - anh Hải nhớ lại.
Là đồng nghiệp với anh Hải, anh Trần Quốc Thắng cho biết đi làm đêm nên thường gặp đủ hạng người, từ kẻ say xỉn cho đến dân xì ke ma túy, thậm chí cả giang hồ. Hôm chúng tôi đi cùng anh Thắng, khi đến một con hẻm thì gặp 2 người đàn ông ngồi nhậu dù đồng hồ đã chỉ 1 giờ. "Mày là ai, vào đây làm gì?" - một người lè nhè. Anh Thắng cho biết đi dò ống nước thì ông ta lại hỏi dồn: "Lúc nãy có người vào đây nhưng thấy bọn này đang nhậu thì đi ra, sao mày lại dám vào?". Anh Thắng chỉ biết giải thích rằng nhóm đi dò ống nước bể có nhiều người, có thể đi trùng một vài tuyến hẻm...
"Mình phải nhẫn nhịn hết sức, người ta chửi bới, lớn tiếng quát tháo gì cũng phải nhỏ nhẹ, trả lời từng câu để họ hiểu. Còn nếu gặp "ca" nào khó quá thì phải đi kiểm tra vào ban ngày" - anh Thắng đúc kết.
Bị vợ nghi ngờ... lăng nhăng
Theo ông Nguyễn Trần Lam, Phó trưởng Phòng Giảm nước không doanh thu Công ty CP Cấp nước Tân Hòa, đặc thù của nghề dò ống nước bể là làm việc về đêm nên nhiều chuyện bi hài đã xảy ra. Những thanh niên mới lập gia đình mà đêm nào cũng đi làm nên nhiều người vợ nghi ngờ chồng lăng nhăng bên ngoài. Những lúc như vậy, CN dò ống nước bể chỉ biết giải thích là do đặc thù công việc, thậm chí phải nhờ lãnh đạo công ty "đả thông tư tưởng" người vợ.
Đồng hồ sinh học của CN dò ống nước bị đảo ngược hoàn toàn. Họ làm từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau nên cơ thể mệt mỏi, về phải ngủ nguyên ngày mới hồi sức, chuyện vợ chồng thỉnh thoảng cũng bị bỏ bê. Do đó, nhiều công ty phải tuyển thêm người để phân bổ công việc. CN làm việc đêm trước thì hôm sau sẽ đi kiểm tra hoặc làm việc ban ngày. Như vậy, mỗi tháng, trừ ngày nghỉ, lễ thì CN làm công việc "nghe tiếng nước thở" khoảng hơn 10 ngày.
Kỳ tới: Tận tụy với nghề
Bình luận (0)