Đất nông nghệp được biến tành đất ở
Theo phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư lập ngày 28-12-2001 của Hội đồng Đền bù (HĐĐB) quận Thủ Đức do ông Nguyễn Việt Quốc, Phó Chủ tịch UBND quận, làm chủ tịch thì có 34 hộ dân và 4 đơn vị tập thể nằm trong khu vực giải tỏa để lấy mặt bằng phục vụ thi công. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện có đến 12/34 chủ đất “ảo”, cùng có “danh sách” trong diện tích đất 4.286,3 m2 của bà Nguyễn Thị Hương và bà Nguyễn Kim Thọ (con gái bà Hương) đang sử dụng. Hầu hết họ là con, cháu của bà Hương và có hộ khẩu thường trú tại phường 9, quận 8. Đến tháng 12-2001 (thời điểm HĐĐB quận Thủ Đức lập phương án đền bù, giải tỏa), cũng không ai thực hiện đủ các thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất theo quy định. Thế nhưng, khi thực hiện dự án thì đùng một cái, mỗi chủ đất đều chìa ra một giấy xác nhận bà Hương “cho” đất, mà thời điểm “cho” từ năm 1978 đến 1990!
Cần nhắc lại rằng, toàn bộ diện tích đất bà Hương đăng ký vào ngày 2-8-1999 theo mẫu số 3, có UBND phường Hiệp Bình Chánh xác nhận là đất nông nghiệp. Vậy mà không hiểu sao, HĐĐB quận Thủ Đức lại vận dụng cho bà Hương và các con, cháu được nhận đền bù thành... đất ở (!?). Đơn cử, căn chòi chứa tro trấu diện tích 10 m2 của Nguyễn Tấn Hải (cháu nội bà Hương) được đền bù đến... 218,33 m2 đất ở!... Tổng số tiền đền bù mà bà Hương, bà Thọ và 12 chủ đất “ảo” đã nhận lên đến 13,9 tỉ đồng. Nếu chỉ làm một vài phép tính thì trong việc chi trả tiền đền bù cho gia đình bà Hương, số tiền thất thoát của Nhà nước trên 6 tỉ đồng. Ngoài nhận tiền đền bù, 9/14 chủ đất “ảo” còn được HĐĐB quận Thủ Đức cho hưởng chính sách tái định cư, nhiều trường hợp được hưởng đến 2 suất, trong đó có trường hợp là hai vợ chồng hoặc hai mẹ con!
Chủ tịch quận Thủ Đức có bao che?
Kiểu đền bù khó hiểu của HĐĐB quận Thủ Đức thực ra đã sớm được chủ đầu tư (Công ty Đầu tư kinh doanh Công trình giao thông 565) phát hiện. Theo biên bản làm việc ngày 3-5-2002 của Thường trực HĐĐB quận Thủ Đức và tại một số công văn khác, phía chủ đầu tư đã nhiều lần phản ứng và đề nghị làm rõ nhiều vấn đề, trong đó tập trung nhất là việc đền bù sai đối tượng, sai loại đất... Thế nhưng, tất cả các kiến nghị này đều bị ông Trần Công Lý, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, phủ quyết. Thậm chí, bà Trần Thị Hương, cán bộ do phía chủ đầu tư cử tham gia tổ đền bù, còn bị phía quận Thủ Đức yêu cầu công ty không cho bà tham gia công việc, khi bà có những phản ứng khá gay gắt về những việc làm khuất tất của một số cán bộ trong HĐĐB quận.
Khi có dư luận râm ran về tiêu cực, ngày 8-10-2002, ông Lý ký quyết định thành lập tổ kiểm tra. Nhưng thật khó hiểu khi chính những cán bộ có liên quan trực tiếp đến việc đền bù như ông Nguyễn Việt Quốc và ông Dương Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐĐB quận Thủ Đức, lại được cử vào tổ kiểm tra!? Chưa hết, trong lúc kết luận của Thanh tra TP về sai phạm của HĐĐB quận Thủ Đức gây thất thoát khoảng 8,8 tỉ đồng, thì tại 4 công văn gởi đến Thanh tra TP, ông Trần Công Lý chỉ thừa nhận có sai sót, với số tiền 1,1 tỉ đồng! Còn kết luận của tổ kiểm tra do ông Quốc làm tổ trưởng chỉ nhận sai sót có... 294 triệu đồng!?
Chỉ còn 18 ngày nữa (thời hạn kiểm điểm là 30 ngày, kể từ ngày 21-8) là quận Thủ Đức phải trình báo cáo kiểm điểm 7 cán bộ liên quan đến việc đền bù, giải tỏa công trình cầu đường Bình Triệu 2 cho UBND TP, trong đó có ông Trần Công Lý và ông Nguyễn Việt Quốc. Với những việc làm có nhiều khuất tất đã gây hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo quận Thủ Đức như trên, dư luận đang trông chờ vào sự xử lý thích đáng của TP.
Bình luận (0)