Đền Rậm ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; xây dựng vào năm 1831. Đây là nơi thờ tự các vị thần, Phật, tướng thời Lê Lợi (Lê Lô, Cao Sơn, Cao Các...). Khu đền là quần thể di tích, nghệ thuật độc đáo, như: nhà thánh, chùa, nhà tế quan, hữu vu, hạ - trung - thượng điện… được chạm trổ công phu.
Cỏ mọc um tùm ở nhiều hạng mục của di tích đền Rậm
Theo các vị cao niên, đền Rậm còn là nơi các nhà chí sĩ yêu nước như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong hoạt động những năm đầu thế kỷ XX. Năm 2008, đền Rậm được công nhận là Di tích Lịch sử kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Tuy nhiên, hiện xung quanh đền cây cỏ mọc um tùm, phía trong các tòa hạ điện, trung điện, thượng điện cột gỗ, xà hư hỏng, mối mọt, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều hạng mục giờ chỉ còn lại một vài dấu tích xen lẫn giữa cỏ dại.
Cụ Phạm Hồng Kỳ (85 tuổi), một trong những người quản lý đền, xót xa: “Tôi sống ở đây từ nhỏ nên biết rất rõ, đền trước đây rất lớn, các công trình đều được chạm trổ tinh xảo. Những năm gần đây, do ngập lụt, cháy, thiếu kinh phí tu sửa nên nhiều hạng mục bị mối mọt, hư hỏng, đổ sập”.
Theo đánh giá của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, dù cảnh quan và tổng thể kiến trúc có sự thay đổi, mất mát, hư hỏng nhưng những gì còn lại của đền Rậm vẫn có giá trị lớn về lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật. Để cứu di tích này, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án trùng tu với số tiền khoảng 17 tỉ đồng nhưng do gặp vướng mắc mà tới nay vẫn nằm “trên giấy”.
Ông Phan Văn Tâm (ngụ xóm 2, xã Hưng Nhân) lo lắng: “Khi nghe có dự án trùng tu, tôn tạo di tích, người dân nơi đây ai cũng mừng. Thế nhưng, mấy năm rồi không thấy đả động gì hết. Lo lắng, người dân hỏi thì xã bảo chưa có kinh phí. Nếu không trùng tu, sửa chữa kịp thời thì ít năm nữa di tích sẽ đổ sập”.
Ông Trần Văn Đảo, một người tham gia trông coi di tích đền Rậm, cho biết có 5 người trực tiếp trông coi, dọn dẹp, hướng dẫn khi người dân tới thắp hương, tham quan. Mỗi tháng, mỗi người được hỗ trợ 30.000 đồng.
Vốn cấp về rất nhỏ giọt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Đình Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân, cho biết năm 2012, dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được tỉnh phê duyệt nhưng do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Để đề phòng một số hạng mục của di tích hư hỏng, đổ sập, hằng năm xã đều xin tỉnh kinh phí tu bổ nhưng nguồn vốn cấp về rất nhỏ giọt, không đủ trang trải, sửa chữa.
Bình luận (0)