icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dẹp “cơm tù” bắt đầu từ đâu? (*)

Sau những ý kiến ban đầu về vấn nạn cơm tù, tôi tiếp tục theo dõi Báo Người Lao Động và các báo khác với nhiều bài viết khắc họa nên bức chân dung rõ nét về vấn nạn cơm tù ở nhiều địa phương khác nhau. Các bài báo cũng đã đi sâu hơn về những khía cạnh trách nhiệm và sự liên quan của cán bộ địa phương cũng như số lái xe bất lương.

“Cơm tù” - một dạng “xã hội đen”

Tôi hoan nghênh sự đóng góp tích cực của báo chí thể hiện sự quan tâm đến lợi ích của cộng đồng và vạch mặt được số kẻ làm ăn chụp giựt, thiếu tính người - cũng là biểu hiện của một dạng xã hội đen bất chấp luật pháp. Sự tồn tại của những loại tội phạm này, thậm chí tồn tại trong thời gian dài không thể không liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương đó và các ngành chức năng (sự việc đang nổi cộm hiện nay mà báo chí đang đề cập là Công ty Đông Nam cướp tiền ngân sách Nhà nước qua trốn, lậu thuế khá công khai, trong thời gian dài).

Tôi cũng hoan nghênh một số tỉnh đã thức tỉnh và đang ra tay. Bộ Công an cũng thấy được trách nhiệm thuộc chức năng của mình, đã có chủ trương xử lý mạnh bằng “chiến dịch” bài trừ loại tệ nạn này. Đó là mặt tích cực mà ai ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, sự “thức tỉnh”, “ra tay mạnh” là cần thiết nhưng nếu làm được chủ động, kịp thời, thì bảo đảm được an toàn hơn cho dân. Chúng ta đều biết, hành khách đi xe đò phần lớn là người có thu nhập không cao, không có xe riêng, cũng không đủ khả năng thuê xe trọn gói. Một câu hỏi đặt ra: Vì sao bọn chúng hoạt động giữa ban ngày lại ở trên các trục lộ quốc gia (chứ không phải ngõ, hẻm) mà xã, huyện không biết (có biết cũng không dẹp được) để tỉnh phải ra tay?

Vì sao công an lại dễ dàng lùi bước như vậy?

Báo Người Lao Động cũng phỏng vấn số cán bộ lực lượng công an thì được phân trần với bao nhiêu khó khăn và một số lần đã giải quyết theo lối “cảnh cáo” sơ sơ vì “không có chứng cứ cụ thể” theo như biện minh của ông S (công an huyện sông Cầu)... rồi đâu lại hoàn đó, với số đối tượng không sửa hoặc chỉ đối phó qua loa thì lại không có biện pháp gì hơn mà chỉ “kiểm điểm”, tuy biết rằng “tình hình thật sự chưa có cải thiện đáng kể” như lời ông S (trưởng Công an xã Xuân Thọ 2). Chính vì thế mà các chủ quán càng được thể lấn tới, nghiêm trọng hơn, còn đưa ra điều kiện thách thức chính quyền như chủ quán Quê Hương (xem Báo Người Lao Động số 2584 ra ngày 1-1-2003).

Liên hệ trở lại chuyện xưa một chút, ngày nào anh, cha ta phải chấp nhận muôn vàn khó khăn, chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù xâm lược; công an vũ trang phải trừ gian, diệt ác trong vùng kìm kẹp của địch để bảo vệ tài sản, tính mạng cho đồng bào, phải chấp nhận cả hy sinh. Ngày nay, đương đầu với những khó khăn quá nhỏ nhoi ấy mà các chiến sĩ công an lại dễ dàng lùi bước như vậy sao? Nói gần hơn việc bộ đội, công an tham gia cứu trợ đồng bào trong thiên tai, bão lũ... liệu có dễ dàng hơn việc dẹp ngay từ đầu vấn nạn cơm tù này không? Tôi muốn đề cập đến các “chiến dịch” đồng loạt “ra quân” như báo chí hay đề cập. Theo tôi, nạn cơm tù không nhất thiết phải huy động đến mức như vậy. Chỉ cần buộc xã (có thể là huyện) chỉ đạo kiên quyết theo đúng luật pháp là dẹp sạch (thậm chí, nếu xử phạt hành chính nghiêm thì đã đủ xóa sổ ngay những kẻ làm ăn theo lối lưu manh này).

Làm thường xuyên, làm thực chất, không hình thức

Tôi cũng muốn nói tới những đợt tập trung với tên gọi “chiến dịch”, “ra quân” là mang tính phát động quần chúng, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, Nhà nước phối hợp cùng nhân dân chứ không thể coi đó là các biện pháp nghiệp vụ hoặc giả chỉ như là biện pháp đột xuất, tình thế với một số đối tượng nhất định. Nếu lạm dụng nó, biến nó thành phô trương, hình thức, về thực chất hiệu quả sẽ không cao, còn hệ quả của nó nếu sau “chiến dịch”, sau “ra quân” thì phải chăng là không còn việc gì phải làm nữa. Một vấn đề nữa trong “ra quân”, trong “chiến dịch” cũng chưa thấy nhấn mạnh hay đề cập đến là đồng thời phải truy tận gốc trách nhiệm của các ngành chức năng, của địa phương (một số phần tử vì một lý do nào đó có hành vi tiếp tay cho tội phạm).

Tóm lại, tôi muốn nói đến công việc quản lý về an ninh cho đời sống xã hội là việc phải làm thường xuyên (theo chức năng của mỗi ngành, mỗi cấp), làm thực chất chứ không hình thức. Cuộc sống thường ngày của người dân đòi hỏi Nhà nước ta, chế độ ta phải đảm bảo một môi trường sống trong lành, yên ổn. Chúng ta quyết không để môi trường xã hội xấu đi, tạo tâm lý bất ổn trong dân “người ngay sợ kẻ gian”... Đó là yêu cầu chính đáng, cũng là mệnh lệnh của dân đòi hỏi trách nhiệm thực sự từ phía các ngành chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.

Trọng Dân

(*) Tựa lớn và nhỏ do Báo NLĐ đặt


TIN THÊM VỀ VỤ ÁN "CƠM TÙ" Ở BÌNH THUẬN

Phóng viên Báo NLĐ tìm tông tích chủ xe 69K-4107

Giải trình của UBND xã Hồng Liêm bị UBND huyện Hàm Thuận Bắc trả lại vì chưa làm rõ chính quyền xã có bảo kê và ai bảo kê quán Thu Thanh. 10-1 là hạn chót nộp bản giải trình mới

Chiều 8-1, trung tá Nguyễn Tiến Dung, Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đến nay Công an Bình Thuận đã làm rõ thêm một số tình tiết thể hiện vai trò chủ mưu và đồng phạm của Nguyễn Trung Dũng và đồng bọn trong vụ “giết người có tổ chức” ở quán cơm Thu Thanh vào ngày 23-12-2002. Theo lời khai của tên Lê Văn Đoan, trước đây tên Dũng chủ quán thường dặn nhân viên phục vụ: “Hễ thấy Dũng đánh ai thì mọi nhân viên phải hùa vào đánh, để dằn mặt những người khác” – cho thấy vai trò chủ mưu của tên này.

Ông Nguyễn Thành Tân, Chánh Văn phòng UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết UBND huyện vừa trả lại báo cáo giải trình của UBND xã Hồng Liêm vì không trả lời đầy đủ các nội dung theo tinh thần công văn số 1313 ngày 30-12-2002 của Chủ tịch UBND huyện. UBND huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu UBND xã Hồng Liêm nêu rõ là có hay không bao che, bảo kê cho quán cơm Thu Thanh, nếu có thì ai. Bản giải trình phải nộp chậm nhất vào ngày 10-1-2003. Cơ quan điều tra còn gởi sưu tra hồ sơ của một trong năm hung thủ vụ án là tên Phạm Viết Cường, thường trú Hà Nội - sống lang thang, rất có thể Cường là một đối tượng hình sự đang lẩn trốn ở Bình Thuận.

Cùng ngày 8-1, trung tá Đinh Kỳ Đáp, Phó Phòng CSĐT - Công an Bình Thuận, đã đến thị trấn Phước Biểu, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm gặp một số nhân chứng cùng đi với nạn nhân Nguyễn Văn Hương để làm rõ hành vi không cứu giúp người bị nạn của tài xế và chủ xe 69K-4107. Đến ngày 8-1 chủ xe và tài xế vẫn chưa đến trình diện cơ quan CSĐT. Mặc dù sau khi án mạng xảy ra, Công an Bình Thuận đã phối hợp với Công an Cà Mau truy tìm tung tích chủ và tài xế xe 69K-4107, nhưng đến nay vẫn chưa được rõ ràng.

Để tìm ra chủ phương tiện xe 69K-4107, phóng viên thường trú của Báo NLĐ tại Cà Mau đã đến Công an tỉnh Cà Mau. Theo thiếu tá Nguyễn Hùng Thắng - Trưởng Phòng CSGT tỉnh Cà Mau, chiếc xe 69K-4107 là xe tư nhân do ông Nguyễn Văn Tám, thường trú 71 khóm 1, P.6, TP Cà Mau chủ phương tiện đăng ký lần đầu vào ngày 5-5-1995 và ngày cải tạo lại 30-11-1999. “Còn muốn biết ai là tài xế chở khách này thì phải gặp ban điều hành Bến xe F.6” - ông Thắng nói. Chúng tôi liền tìm đến ban điều hành Bến xe F.6 lại được ông Đặng Văn Phong, phó bến, cho biết: “Lâu lắm rồi ban điều hành không quản lý xe 69K-4107 vì xe thuộc loại quá cũ. Nghe đâu tài xế thường xuyên lái xe trên có tên là Thành, quê ở Cần Thơ. Muốn tìm hiểu rõ, nhà báo nên gặp Hợp tác xã Đại Thắng”. Chúng tôi lại tìm đến Hợp tác xã Đại Thắng lại được trả lời: “Đây là sự nhầm lẫn, hợp tác xã không có xe nào mang biển số trên”. Lần theo địa chỉ nhà ông Tám - chủ chiếc xe này, thì nhà ông “cửa đóng then cài” im ỉm. Như vậy cho đến hết ngày 8-1, chúng tôi vẫn chưa tìm ra tài xế xe 69K-4107.

. Cũng trong chiến dịch của các địa phương ra quân tiêu diệt “cơm tù”, trưa ngày 8-1, lực lượng Công an huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ra quân lần thứ 3 kiểm tra các quán “cơm tù” dọc Quốc lộ 1A thuộc khu vực Cà Đú, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải. Các quán “cơm tù” như: Phan Rang, Ba Mập, Thiên Hương, Việt Hải đã mở cửa trả tự do cho hành khách đi trên những chuyến xe đò xuyên Việt. Thiếu tá Nguyễn Văn Nhang – Phó Trưởng Công an huyện Ninh Hải – cho biết sẽ kiên quyết xử lý đối với những quán cơm vi phạm cam kết kinh doanh.

H. Thanh - Đ. Văn - T.S. Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo