xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dẹp loạn “chợ sức khỏe”

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Hàng loạt đối tượng đã và sắp bị khởi tố sau khi Công an tỉnh Bình Dương tấn công các điểm làm giả, mua bán giấy chứng nhận sức khỏe để xin việc

“Suỵt, đi chỗ khác mà mua, ở đây hết bán mấy thứ giấy đó rồi” - bà chủ một tiệm photocopy gần KCN Sóng Thần (Bình Dương) đuổi như đuổi tà khi  chúng tôi hỏi mua giấy chứng nhận sức khỏe để xin việc.
Mấy ngày qua, khi chúng tôi thử hỏi thăm khoảng 10 tiệm photocopy, chụp hình, áo cưới, điểm bán lẻ hồ sơ xin việc quanh khu vực  KCN Sóng Thần - Linh Trung - Đồng An - Bình Đường (vùng giáp ranh TPHCM – Bình Dương) để mua giấy sức khỏe, nhân viên ở điểm nào cũng e dè, đề phòng.
img
Giấy chứng nhận sức khỏe giả, giấy tờ giả và phương tiện in ấn được công an phát hiện, thu giữ

Tóm cổ hàng loạt

Từ lâu, khu vực này được mệnh danh là  “chợ sức khỏe”.  Bất kỳ ai dù ốm đau, nhẹ cân cỡ nào chỉ cần tốn vài chục ngàn đồng là có thể mua được một giấy chứng nhận sức khỏe loại tốt, có chữ ký của bác sĩ và có đóng dấu xác nhận của bệnh viện hẳn hoi.

Theo Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hiện công an địa phương vẫn đang tiếp tục dẹp tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe. Trong hàng loạt đối tượng vừa bị tóm, Công an thị xã Dĩ An đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Mai Văn Vương (35 tuổi, quê Nam Định) về hành vi “làm giả con dấu, chữ ký của cơ quan Nhà nước” và Nguyễn Thị Tâm (28 tuổi, ngụ TPHCM) về hành vi “buôn bán hồ sơ, giấy tờ giả”.

Trước đó, vào ngày 26-2, chị Đàm Thị L. (19 tuổi, quê Quảng Bình) mang hồ sơ đến UBND phường An Bình (thị xã Dĩ An) để chứng thực. Giấy chứng nhận sức khỏe của chị L. (có đóng dấu của Bệnh viện Quân đoàn 4) bị phát hiện làm giả nên UBND phường An Bình chuyển vụ việc sang công an. Tại đây, L. khai đã mua giấy chứng nhận sức khỏe tại tiệm thuốc tây của Tâm với giá 30.000 đồng.
Khám xét tiệm thuốc tây, công an phát hiện 14 giấy chứng nhận sức khỏe, 10 toa thuốc, 3 phiếu khám bệnh đều có đóng dấu của Bệnh viện Quân đoàn 4. Hai ngày sau, Vương chạy xe máy mang theo 50 bộ hồ sơ giả đến giao cho Tâm thì bị công an bắt quả tang.
Khám xét nhà trọ của Vương, công an thu được máy tính, máy in, máy scan, 3 con dấu, 6 bằng tốt nghiệp đại học, 95 giấy chứng nhận sức khỏe và nhiều bộ hồ sơ giả khác.

Ngày 19-2, Công an thị xã Dĩ An khám phá một đường dây sản xuất và mua bán giấy tờ giả tại địa bàn phường Dĩ An, thị xã Dĩ An. Đối tượng bị bắt là Hồ Thị Minh Lộc (SN 1982, ngụ Hà Tĩnh). Cơ quan điều tra thu giữ của Lộc 71 toa thuốc, 71 giấy chứng nhận sức khỏe và nhiều giấy tờ khác đều làm giả của Bệnh viện Quân đoàn 4 và một số cơ quan chức năng khác.

Không chỉ tiệm thuốc tây, ngay cả tiệm chụp hình cũng “sản xuất” giấy chứng nhận sức khỏe. Ngày 1-3, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương phối hợp Công an phường An Phú kiểm tra đột xuất tiệm chụp hình Huy Hoàng (phường An Phú), bắt quả tang chủ tiệm đang làm hồ sơ xin việc giả. Tại hiện trường, công an thu giữ 10 bộ hồ sơ xin việc giả.
Chủ tiệm Nguyễn Văn Hát (SN 1985, quê Thanh Hóa) khai nhận suốt 1 năm qua, Hát lên mạng internet lấy con dấu của cơ quan có thẩm quyền rồi scan màu và in chồng lên giấy tờ xin việc. Hát bán cho công nhân từ 80.000-100.000 đồng/hồ sơ.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Công an Bình Dương đã triệt phá gần 10 điểm mua giấy sức khỏe, bắt giữ hàng chục đối tượng.

img

Từ trái sang: Mai Văn Vương, Nguyễn Văn Hát và Nguyễn Tuấn Anh bị bắt giữ

Doanh nghiệp dễ ăn… trái đắng

Giấy tờ xin việc giả bùng phát một phần do các doanh nghiệp quá cần lao động nên dễ dãi trong việc xét duyệt hồ sơ xin việc.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Giám đốc Chi nhánh Bình Dương của Marie Stopes International (MSI) - một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, cho biết phòng khám của bà (đóng tại Dĩ An) tiếp nhiều nữ công nhân đến khám thai khi họ mới 15-16 tuổi. Những nữ công nhân này tiết lộ họ sử dụng CMND, giấy tờ tùy thân giả để xin việc nhưng vẫn dễ dàng qua mặt công ty.
Ngoài công nhân tha hương dùng giấy tờ giả xin việc, theo một lãnh đạo Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an thị xã Dĩ An, rất nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, trốn truy nã, mua giấy tờ giả để xin việc, ẩn náu tại các công ty. Khi có cơ hội, chúng sẽ ra tay trộm cắp. Mới đây, Công an Bình Dương đã khám phá hàng loạt băng nhóm chuyên dùng hồ sơ xin việc giả  xin vào các công ty vận tải làm tài xế.
Khi được giao chở hàng cho đối tác công ty thì các đối tượng này âm thầm “móc ruột” container lấy bớt hàng để bán. Ở TPHCM cũng có vấn nạn này. Đơn cử, mới đây một đối tượng dùng ảnh mình dán lên hồ sơ xin việc giả rồi xin vào Công ty Vận tải Hồng Long (quận Bình Thạnh) để làm tài xế. Chỉ 2 ngày sau khi nhận việc, đối tượng này đã biến mất cùng xe container và lô hàng trị giá cả tỉ đồng.
Vẫn lén lút mua bán
Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp khan hiếm lao động nên tuyển dụng dễ dãi. Đây là thời điểm “chợ sức khỏe” làm ăn được mùa nhất trong năm. Năm nay, do liên tục bị công an tấn công, nhiều chủ nhà trọ, tiệm chụp hình, photocopy ở “chợ sức khỏe” chuyển sang bán gián tiếp, tức bán cho khách thông qua công nhân quen mặt.
Công nhân Lê Thị T. làm việc tại KCN Linh Trung 1 (Thủ Đức - TPHCM) kể: “Hai năm trước, em từ Nghệ An vào đây xin việc, bà chủ nhà trọ bán giấy sức khỏe cho em. Giờ bả không bán cho người lạ nữa, ai muốn mua thì nhờ người trong khu trọ mua bả mới bán. Sau tết đến giờ, công nhân ngoài quê đổ vào xin việc quá trời, bả bán cả trăm giấy rồi”.
Đồng Nai: “Phố giấy tờ giả” vẫn nhộn nhịp
Tại Đồng Nai, trên các tuyến đường Bùi Văn Hòa (phường An Bình), Vũ Hồng Phô (phường Bình Đa), khu vực ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân - TP Biên Hòa) - nơi Báo Người Lao Động từng có loạt bài phản ánh tình trạng những “phố giấy tờ giả” hoạt động hết sức nhộn nhịp - nay vẫn nhộn nhịp không kém.
Ngày 18-3, trở lại những khu vực này, trong vai những người đi “mua” giấy khám sức khỏe, sửa giấy CMND, đặt mua các loại bằng cấp, sổ đỏ, chúng tôi đặt vấn đề thì đều được đáp ứng yêu cầu. Trong đó, một giấy khám sức khỏe giả có dấu mộc đỏ giá 80.000 đồng; sửa giấy CMND giá 100.000 đồng/chữ số; bằng đại học, cao đẳng giả giá 2,5 triệu đồng…
Những đường dây làm giấy tờ, bằng giả hoạt động rất tinh vi, với hệ thống chân rết kín kẽ, thường được ngụy trang trong vỏ bọc là các trung tâm môi giới việc làm, cung ứng lao động, các tiệm chụp ảnh, photocopy.
img
Nhân viên một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Bùi Văn Hòa (phường An Bình - TP Biên Hòa) đang gọi điện để sửa CMND cho khách

Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết năm 2012, sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài phản ánh tình trạng náo loạn của “phố giấy tờ giả”, lực lượng công an đã tổ chức nhiều đợt trấn áp và tình hình diễn biến về loại tội phạm này đã giảm.
“Tình trạng làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức chủ yếu tập trung ở TP Biên Hòa và các huyện có KCN, chúng tôi đã ra quân trấn áp nhiều đợt, tình hình có giảm nhưng vẫn chưa triệt để được…” - thượng tá Đạt cho biết.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, trong năm 2012, các đơn vị cảnh sát hình sự đã triệt phá 12 vụ tội phạm làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức Nhà nước, trong đó có 8 đường dây quy mô hoạt động tại các khu vực trên địa bàn TP Biên Hòa.
Xuân Hoàng
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo