Đến Chi cục Văn thư lưu trữ thuộc Sở Nội vụ TP HCM (số 1489 đại lộ Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7) những ngày tháng 8, tôi may mắn được chạm tay vào những kỷ vật quý giá của một thế hệ đã để lại một phần xương máu và tuổi xuân cho miền Nam ruột thịt.
Lửa trong đó
Từng trang giấy viết tay bằng lối chữ mộc mạc, hồn hậu gói gọn cuộc đời của mỗi chiến sĩ cách mạng. “Quyết tâm thư” của ông Nguyễn Văn Mỡ (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) viết vào năm 1972 khi tình nguyện về Nam chiến đấu có đoạn: “Nay xin hạ quyết tâm: Dù ở cương vị nào, Đảng phân công tôi cũng xin quyết tâm hoàn thành xuất sắc. Trong khi đi công tác, bản thân thì yếu nhưng quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để đi tới đích”.
Cầm trên tay bộ hồ sơ, kỷ vật ghi dấu một thời hào hùng, ông Mỡ bật khóc khi ký ức ùa về. “80 tuổi rồi! Tôi sợ mình không đợi kịp đến ngày nhận lại hồ sơ nhưng may mắn làm sao...” - ông Mỡ nấc lên.
Ông kể khi viết “Quyết tâm thư”, ông đã bị mất một bàn tay trong trận đánh ác liệt tại Phước Long. Được đưa ra miền Bắc học tập, chữa trị nhưng người thương binh ấy vẫn một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, sẵn sàng lên đường trở về dù có phải hy sinh cả tính mạng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chi cục phó Chi cục Văn thư lưu trữ thuộc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết nhiều người không cầm được nước mắt khi đọc những đơn xin vào chiến trường miền Nam. Những lá thư ố vàng hay tiếng lòng thế hệ thanh niên nguyện hy sinh đời mình vì Tổ quốc năm nào vẫn sống mãi. Và khi đọc hồ sơ, cán bộ, nhân viên của Chi cục Văn thư lưu trữ đã bắt gặp lửa trong đó...
Hy sinh tình riêng cho nghĩa lớn
Đi B không chỉ là khát khao của mọi lớp thế hệ mà còn là niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ vì sự sống còn của Tổ quốc trong giai đoạn ấy. Ông Lê Văn Bòn (ngụ phường An Phú, quận 2, TP HCM) kể lại thời khắc thiêng liêng khi sắp lên đường đi B: “Đó là một buổi chiều nôn nao. Tôi thấy vợ cứ bồn chồn nhưng tôi vẫn ung dung và bình thản lạ thường bởi tôi muốn vợ yên tâm và tin tưởng ngày đất nước toàn thắng”.
Chiều đó, cán bộ của Ủy ban Thống nhất Chính phủ tới hỏi ông: “Sao có giấy báo đi B 2 lần mà không hồi âm?”. Ông Bòn giật mình, ngơ ngác. Chưa kịp hiểu điều gì xảy ra thì cán bộ hỏi tiếp: “Vậy giờ đi B không?”, ông trả lời liền: “Đi B không đi thì đi đâu nữa!”. Vậy là làm thủ tục đi B. Lúc đó, vợ ông mới sinh con đầu lòng được 2 tháng, ông chỉ kịp đặt tên con, nhắn mẹ vào chăm sóc rồi ông lên đường.
Ra đi với niềm tin rồi đất nước sẽ thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà nhưng ai cũng nghĩ mình hy sinh nên có cái gửi lại cho vợ cho con, hoàn toàn không nghĩ sẽ có ngày nhận lại, cũng không nhớ mình đã để lại những gì. Cũng không ai nghĩ đến một ngày nào đó họ có thể nhận lại được những kỷ vật của một thời máu lửa, những kỷ vật của cả giai đoạn đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cách mạng miền Nam.
“Thời đó, cuộc sống của mình gắn liền với lời dạy của Bác Hồ. Ra đi vì mục tiêu thống nhất đất nước, chúng tôi không băn khoăn, không ngần ngại cũng không hối tiếc” - ông Nguyễn Văn Mỡ chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Dọi (ngụ phường 4, quận 4, TP HCM) khi ấy thì reo lên “sẵn sàng” như đứa trẻ mới lớn lúc nhận lời đề nghị của tổ chức: “Đồng chí sẽ về Nam. Đồng chí thấy thế nào?”. Ông bày tỏ rằng khi tình yêu quê hương Tổ quốc quyện làm một đã tạo nên sức mạnh to lớn, thôi thúc mong ước mãnh liệt về Nam của mỗi người con tập kết ra Bắc.
Trước khi chuẩn bị về Nam, ông Dọi đã đi dứt tình. “Đó là một ngày rất khó khăn đối với tôi. Đối mặt với kẻ thù tôi chưa bao giờ run sợ nhưng đứng trước người yêu tôi không biết làm sao cho vẹn tình” - ông kể.
Đêm trước khi gặp người yêu, ông trằn trọc đến sáng. Cuối cùng, ông chọn lý do “không hợp” để chia tay. Ông muốn người yêu quên mình đi để tìm kiếm hạnh phúc mới nhưng khi quay lưng đi, tim ông đau thắt.
Thời trai trẻ tự hào
Cầm theo tờ giấy nhỏ với vỏn vẹn ba chữ “Đi Ông cụ” (Trung ương Cục miền Nam - PV), ông Dọi hành quân trở về Nam với lời dặn của người chỉ huy trước lúc lên đường: “Đi vào Nam là phải đi bằng cái đầu”. Lúc đó, ông Dọi chưa hiểu chỉ huy nói gì. Chỉ khi ngày nào cũng vác ba-lô nặng 30 kg gồm dụng cụ, thực phẩm, thuốc men trên vai; vượt đèo, vượt núi, đi bộ từ sáng tới tối, ông mới thấm thía “đi bằng cái đầu” là như thế nào...
Trong ký ức ông Phan Văn Tư (ngụ xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM), hành trình gian khổ trở về Nam là những ngày tháng đáng tự hào nhất thời trai trẻ của mình. Ông kể: 1 tháng tập trung ở Hải Phòng, đoàn cán bộ, chiến sĩ được ăn uống đầy đủ để có sức khỏe đi B.
Ngày ngày, ai cũng phải vác chiếc ba-lô mang gạch mà hành quân đến trên 20 km, qua các địa hình rừng núi, sông suối giả định, đi xuyên đêm trong một tháng ròng như thế. Ban đầu là 10 kg, 20 kg rồi lên 30 kg. Rồi từng đoàn lãnh đạo đến thăm, động viên...
Ngày lên đường, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến đưa tiễn với lời dặn sắt son: “Hãy nhớ tên mình, hãy bơi cùng đồng đội và nhớ đến cái thắt lưng Bộ đội Cụ Hồ mà cách mạng tặng. Nếu có chìm, cách mạng sẽ nắm các anh kéo lên”. Ghi nhớ lời, suốt 3 tháng 4 ngày đi bộ từ miền Bắc vào Nam trong mưa bom lửa đạn nhưng không cán bộ nào nhụt chí.
Kỳ tới: 2 năm thành hơn 20 năm
Chi viện cho miền Nam
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ưu tú của miền Nam đã tập kết ra Bắc học tập, công tác. Sau đó, họ được cử về miền Nam chi viện trực tiếp cho chiến trường. Từ đây, những đơn vị mở đường Trường Sơn được thành lập, ngày đêm bí mật bạt núi, mở rừng với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Trước khi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, họ đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ tư trang, hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật và được đặt tên “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”.
Bình luận (0)