Hà Tĩnh là tỉnh có số lượng người làm việc tại Angola đứng đầu cả nước. Theo thống kê, tỉnh này đang có trên 7.000 lao động làm việc tại Angola. Hầu hết người lao động (NLĐ) sang Angola làm việc trái phép trong các nhà xưởng, công trình xây dựng, buôn bán...
Chồng chết, vợ con bơ vơ
Do đi “chui”, NLĐ gần như không được hướng dẫn, nắm bắt thông tin về tình hình an ninh xã hội phức tạp ở Angola để tự bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng. Hậu quả là gần đây, hàng loạt vụ cướp bóc và án mạng xảy ra đối với những lao động này, trong đó nhiều nạn nhân là người Hà Tĩnh.
Mới đây, ngày 5-3, anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi; ngụ xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) bị cướp bắn chết tại Uige - Angola. Trước đó, ngày 3-3, cũng tại Uige, ông Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi; ngụ xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị cướp đánh chết dã man.
Cách đây hơn 5 tháng, một vụ sát hại lao động Việt Nam ở Angola gây chấn động mạnh trong cộng đồng người Việt ở đất nước Nam châu Phi này. Ngày 4-10-2015, khi trên đường đi làm về, anh Lê Văn Quế (32 tuổi; trú xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị một nhóm cướp trấn lột tài sản và bắn chết. Thông qua mạng xã hội, lao động Việt đã vận động nhau quyên góp để hỗ trợ đưa thi thể anh Quế về nước. Trước đó không lâu, 2 nữ lao động Hà Tĩnh là chị Nguyễn Thị Hải, 36 tuổi và chị Nguyễn Thị Xuân, 32 tuổi, cũng bị cướp giết chết khi đang cư trú bất hợp pháp tại Angola.
Ngoài chết do bị sát hại, nhiều lao động còn tử vong do bệnh tật. Gần đây nhất, ngày 21-3, anh Phạm Văn Phúc (27 tuổi; ngụ xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã tử vong do sốt rét. Ngày 19-3, khi đi làm việc “chui” ở Angola, anh Trần Xuân Hiệp (22 tuổi; ngụ phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) qua đời vì bị sốt xuất huyết…
Tại Nghệ An, từ năm 2015 đến nay, cũng đã có cả chục lao động bỏ mạng ở Angola. Vụ việc thương tâm rơi vào trường hợp anh Phạm Văn Tuân (34 tuổi; ngụ xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu). Một ngày tháng 6-2015, anh Tuân bất ngờ bị một nhóm cướp dùng súng bắn chết khi đang trên đường tới nơi làm việc tại TP Luanda. Tháng 9-2014, anh Nguyễn Văn Thế (36 tuổi; ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành) cũng bị cướp chém chết dã man lúc trở về từ một công trình xây dựng.
NLĐ bỏ mạng ở xứ người còn tại quê nhà, người thân của họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. “Nhà có 5 đứa con, khổ quá nên chúng tôi mới vay mượn 140 triệu đồng để chồng sang Angola làm việc. Mới đi được một thời gian ngắn, nợ nần chưa trả thì anh ấy đã bỏ mẹ con tôi...” - chị Đậu Thị Thu (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), có chồng mất khi làm việc “chui” ở Angola, xót xa.
Quá nhiều rủi ro
Nghệ An và Hà Tĩnh đứng đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua con đường không chính thức. Hầu hết các vụ lừa đảo hoặc đưa lao động đi làm việc “chui” ở nước ngoài cũng tập trung đông ở 2 tỉnh này. Ngoài Angola, lao động của Nghệ An và Hà Tĩnh chủ yếu đi làm việc trái phép ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan; một số ít tìm đường sang cả Úc, Canada, Hà Lan…
Trên thực tế, lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người dân, các cá nhân, tổ chức ngoài luồng đã tập trung về đây, tìm mọi cách gạ gẫm NLĐ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay khi lỡ đưa tiền cho các đối tượng lừa đảo. Cuối tháng 2 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Hoàng Thị Đào (ngụ phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với chiêu bài hứa đưa người sang Đài Loan, Hà Lan làm việc, Đào đã lừa đảo chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng của gần 100 người ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Có một sự liên quan mật thiết giữa việc xuất ngoại “chui” và rủi ro thiếu việc làm, bị cưỡng bức lao động, thậm chí mất mạng như các trường hợp kể trên. Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cảnh báo do sang nước này trái phép, NLĐ phải tự tìm kiếm việc làm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bóc lột sức lao động. Họ cũng không được bảo vệ quyền lợi kịp thời, không được chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật và phải sống trong cảnh trốn tránh, lo sợ cảnh sát bắt giữ.
Tổ chức Lao động quốc tế từng đưa ra khuyến cáo Chính phủ phải kiểm soát chặt di cư lao động, nhất là ra nước ngoài qua con đường không chính thức. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho rằng đây là vấn đề lớn của quốc gia chứ không phải của địa phương nào. “Để bảo vệ quyền lợi cho mình, tránh bị lừa đảo và hạn chế rủi ro khi ra nước ngoài, tốt nhất là NLĐ tìm hiểu thật kỹ thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ mà mình đến làm việc; cá nhân, tổ chức tuyển dụng có hợp pháp hay không…” - ông Quỳnh lưu ý.
Thế nhưng, bất chấp những khuyến cáo nêu trên cùng với việc nhiều bộ, ngành, địa phương, kể cả doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thông tin hằng ngày, đồng thời xuống tận thôn, xã tuyên truyền nhưng lừa đảo vẫn cứ xảy ra. Người dân dù nghèo đến mấy cũng cố vay mượn số tiền lớn để đi cho bằng được. Kết cục của xuất khẩu lao động “chui” đã làm bao gia đình tan nát.
3 năm, gần 40 người tử vong
Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, gần 40 lao động ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã tử vong khi làm việc tại Angola. Hầu hết nạn nhân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải vay mượn tiền lo chi phí sang nước này.
Do làm việc trái phép tại Angola nên khi chết, họ không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì. Để đưa được thi thể họ về nước, cộng đồng người Việt tại Angola và người thân ở quê nhà phải cùng nhau quyên góp giúp đỡ.
Kỳ tới: Giúp dân đổi vận, cách nào?
Bình luận (0)