Qua chợ Gò dễ như đi chợ
Đứng trên bờ đê ấp 1, nhìn thấy chợ Gò lọt thỏm bốn bề màu xanh của lúa. Giàu dắt tôi men theo bờ bao đồng ruộng. Đường nhỏ xíu nhưng nát dấu chân người. Xa xa, hàng chục người thi nhau đai hàng đang lom khom nhấc bước nặng nề. Giàu bảo, thanh niên ấp 1 hầu hết sống bằng nghề này. Lúc nào cũng có người thuê đai hàng hết. Riêng đến thời điểm lễ hội Vía Bà, việc đai hàng hút hơn. Bây giờ, người ta đến lễ Vía Bà Chúa Xứ tranh thủ kiếm mua đồ lậu. Theo lời Giàu, dân đai hàng qua chợ Gò dễ như đi chợ bởi hầu hết lực lượng biên phòng đã quen mặt; còn người lạ như tôi muốn qua phải có Giàu giới thiệu vài câu (?). Đi cạnh tôi là ba phụ nữ đang vui vẻ mang “đồ nghề” của mình là cái bao đã được buộc hai đầu mang vào lưng, miệng nói cười vui vẻ có lẽ nhờ từ sáng đến giờ được nhiều người thuê. Vượt gần 2 cây số giữa đồng, tôi đến được chợ Gò. Giàu ý tứ nói nhỏ vài câu với lực lượng dân phòng xã, cuối cùng họ cũng đồng ý cho tôi qua chợ Gò...
Đồ lậu chất đống
Nhờ sự giới thiệu của Giàu, tôi dễ dàng ghé từng nhà ở chợ Gò. Cái chợ có khoảng 100 căn nhà sàn nhưng nhà nào nhà nấy đều chứa đồ lậu chất đống. Từ hàng kim khí điện máy, hàng điện tử đến quần áo, khăn... Dân bán hàng trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Chủ bán hàng tên Khương tiếp thị với tôi hàng đống máy vi tính xách tay. Loại “câm điếc” từ 300.000 đồng – 500.000 đồng, còn loại thử tại chỗ từ 1.000.000 đồng trở lên. Dạo này, mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ mặt hàng điện tử bán chạy. Anh Quang ở TPHCM chọn được chiếc máy vi tính xách tay giá 1.500.000 đồng. Quang cho biết, mua đồ thử “chắc ăn hơn”. Lần trước, anh mua máy vi tính xách tay “câm điếc” có 300.000 đồng đem về tới nhà chỉ để nhìn. Giàu còn nói thêm, đồ lậu nhưng toàn đồ tốt.
Từ giã Khương, tôi dọc quanh chợ Gò lúc này là tiếng í ới gọi nhau của dân đai hàng. Tiếng chuông điện thoại di động của các “mối” lấy hàng đến ông chủ đồ lậu vang lên réo rắt. Vừa trả lời xong điện thoại di động, ông Sal lắc đầu bảo tôi: “Thúc hàng quá trời làm sao lấy kịp! Hết lễ hội ông mới về mà. Thôi còn bao nhiêu bán bấy nhiêu. Tối nay hàng về mai chuyển tiếp”. Rồi Sal ra hiệu cho bốn dân đai hàng vào nhà lấy hàng. Tôi theo chân dân đai hàng về lại Vĩnh Ngươn. Khi qua khỏi cầu về địa phận xã Vĩnh Ngươn, một đoàn biên phòng đi kiểm tra thì dân đai hàng nhanh như cắt nhảy qua ranh giới chợ Gò. Thấy cảnh trên, lực lượng biên phòng lắc đầu ngán ngẩm ngồi nhìn chứ biết làm gì hơn. Thế là, đợi cho lực lượng biên phòng đi khuất, tốp đai hàng lại qua địa phận Vĩnh Ngươn lù lù chạy.
Hàng lậu vượt kinh Vĩnh Tế
Tiếp xúc với Cục Hải quan An Giang, chúng tôi kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe ở chợ Gò thì được các anh cho biết: Gần đây, tình hình buôn lậu hàng qua biên giới diễn biến rất phức tạp. Ngày họ thuê dân đai hàng vác hàng nhỏ lẻ tại một điểm nào đó rồi đến đêm chở hàng đi. Cục Hải quan nhiều lần truy bắt nhưng không hết. Chúng liền đổi phương thức hoạt động vận chuyển hàng lậu bằng ghe. Đội kiểm soát hải quan nhiều lần mai phục trên sông Vĩnh Tế truy bắt nhiều chiếc ghe trọng tải vài tấn ngụy trang cây tràm nhưng phía dưới đồ lậu chất đống, trị giá hàng trăm triệu đồng. Còn cán bộ đồn biên phòng tại thị xã Châu Đốc cho rằng, chợ Gò không chỉ là nơi cung cấp đồ lậu như hàng điện tử, quần áo... mà còn là nơi vận chuyển trao đổi vàng lậu. Địa phương này đã cố gắng ngăn chặn nhưng không xuể, vì nhiều người dân ở các cửa khẩu sống bằng nghề đai hàng.
Cứ như vậy, chuyện buôn lậu qua biên giới Tây Nam nói hoài không dứt...
Bình luận (0)