Chỉ riêng năm 1980, nước ta phải nhập đến 1,6 triệu tấn lương thực. Kết quả là phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20%-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75% dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là 774,7%. Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường.
Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc với Nông trường dừa Đỗ Hòa của Lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM ở huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ). Ảnh: Nguyễn Công Thành
Từ chân tường của khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 nhận định: Cơ chế quản lý tập trung đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế, kìm hãm sản xuất, giảm sút năng suất, chất lượng sản phẩm dẫn đến lưu thông vào tình trạng rối loạn. Đại hội đã nhấn mạnh động lực chủ yếu để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm (1986-1990) là đổi mới tư duy, chiến lược về phát triển kinh tế, chính thức công nhận sự tồn tại và vai trò của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam, xóa bỏ chỉ tiêu kế hoạch, không đốt cháy giai đoạn, vận hành theo quy luật khách quan...
Nhận thức mới về quản lý kinh tế là cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển sang trang sử mới. Thực tế đã minh chứng công cuộc đổi mới kinh tế do nhân dân khởi xướng và Đảng biết nắm bắt hơi thở của cuộc sống lãnh đạo trong 30 năm qua đã mang lại cho đất nước những biến đổi lớn trên nhiều lĩnh vực.
Để Việt Nam tiếp tục có nền kinh tế - xã hội ổn định, phát triển nhanh, mạnh, bền vững, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO), rõ ràng các biện pháp áp dụng trong thời kỳ đổi mới ngày càng bộc lộ những hạn chế bởi vì từ đổi mới chỉ mới có tính “cởi trói” và sửa sai.
Đổi mới, về nội hàm chỉ có giá trị nhất thời bởi vì bản thân nó chỉ giải quyết một số vấn đề cấp bách, nổi cộm, nghĩa là chỉ mới ở phần ngọn. Trong các năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở châu Âu, người ta thường nhắc nhiều đến từ “perestroika”, được dịch là “Cải tổ”. Cần hiểu “pere” là làm lại, “stroika” là xây dựng, dịch đúng nghĩa phải là “tái cấu trúc” hay nói nôm na là xây dựng lại từ nền móng.
Thực chất của Đổi Mới là “đổi” chứ chưa “mới”, còn thiếu hẳn việc đổi mới về thể chế. Hay nói cách khác, chưa xây dựng các cơ sở khoa học khách quan sử dụng tri thức của nhân loại, đề ra phương hướng phát triển từ ngắn hạn đến dài hạn và hoàn thiện bằng kinh nghiệm thực tiễn của đất nước, trong khu vực và thế giới. Đây mới là nội dung quan trọng và sự cần thiết trước hết của đổi mới.
Phải biết rằng thành tựu tuyệt vời của khoa học - công nghệ thế giới trong giai đoạn qua đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của nhân loại, thay đổi tư duy và nhận thức của con người, đem lại năng suất lao động, sản phẩm xã hội. Việt Nam chúng ta cũng chịu ảnh hưởng chung và đạt được nhiều thành tựu, trong số đó có không ít thành tựu nhờ công cuộc Đổi Mới từ năm 1986 mang lại.
Bình luận (0)