Bà Trần Thị Bình dẫn chúng tôi ra phía triền sông Hồng. Chỉ tay về phía xa xa nơi cửa dòng Nhuệ Giang (khúc chảy ven qua dốc Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm – Hà Nội) đổ ra, bà nghẹn giọng: “Không năm nào không có chuyện buồn ở khúc sông này. Nhiều người chết tội lắm!”.
Người bị... “trời đày”
Bà Bình kể vào mùa lũ năm ngoái, trong khi đi tắm sông Hồng, một đứa bé bên Tây Hồ bị nước xoáy cuốn rồi nhấn chìm. Nghe có người tri hô, bà Bình liền nhảy xuống dòng nước xoáy. Sau hơn một giờ đánh vật với thủy thần, may thay, đứa bé được cứu sống.
“Lúc tôi đưa đứa bé lên bờ, người nó lạnh toát. Không kịp đưa đi bệnh viện, bằng kinh nghiệm của mình, tôi vội hút miệng, hút mũi, hô hấp nhân tạo để em thở. Mãi vẫn không thấy đứa bé động đậy, tôi cứ ngỡ nó chết rồi. Bí quá, cuối cùng tôi đã phải chạy vào nhà dân xin lông gà thông vào mũi, vào cổ họng rồi thổi từ mũi xuống miệng... May quá, sau đó đứa bé từ từ thở được. Thế là sống!” – bà Bình nhớ lại.
Khi cứu người, bà Bình chẳng hề ngại ngần gì nhưng lúc xong việc, bà lại thấy nhờn nhợn. “Như đứa bé bị nước xoáy cuốn ấy, khi cứu nó xong tôi mới thấy ghê người. Bao nhiêu dịch đờm của đứa bé, tôi phải hút hết, thậm chí lúc vội lại nuốt luôn với hy vọng cứu sống nó” - bà Bình thổ lộ. Rồi bà lau nước mắt:
“Thương nhất là khi phải vớt thi thể những em học trò, sinh viên. Có lần, tôi vớt một thi thể mà không cầm nổi nước mắt khi nhìn thấy nét mặt ngây thơ và bộ đồng phục học sinh trên người nạn nhân”.
Bà Bình là chị lớn trong gia đình, bố mất sớm nên phải vất vả nuôi em từ nhỏ bằng nghề sông nước. Cũng giống như người chị, ông Trần Tí cũng theo nghề sông nước. Nghề chài lưới từ lâu đã trở thành truyền thống của gia đình bà Bình trên sông Hồng. Bà Bình uống rượu như nước.
Bà bảo bà uống rượu cũng là do nghề mà thành thói quen. Mùa lũ, sông Hồng cuộn đỏ, gầm gừ cả đêm đến sáng. Bao giờ cũng thế, cứ đến mùa này, người dân ven đoạn sông nơi bà Bình cặp thuyền sinh sống phải chứng kiến nhiều cảnh đau lòng trước những tiếng khóc xé lòng của người thân nạn nhân đuối nước được chính bà và anh em trong gia đình vớt lên... “Tôi uống rượu nhiều để quên đi phần nào những cảnh đó” – bà tâm sự.
“Còn sức, tôi vẫn tiếp tục vớt người. Tuy nhiên, tôi mong mình mãi mãi không phải làm việc ấy” – bà Trần Thị Bình bộc bạch
Ở nhiều xứ vạn chài, ngư dân không bao giờ dám cứu người chết đuối vì họ quan niệm rằng số mệnh của nạn nhân đến đó là hết, một khi Hà Bá đã gọi thì không ai dám cưỡng lại. Nếu cố tình cứu người chết đuối, ngư dân sẽ phải thế mạng cho người đó... Bà Bình bỏ ngoài tai tất thảy. Trong thâm tâm, bà luôn tự nhủ cứu người, vớt thi thể người chết đuối là làm phúc, mà đã làm phúc thì Hà Bá nào lại đi hại người tốt!
Nghĩ thế nên những lúc rảnh rỗi ngồi với mấy người em trong nhà, bà thường khuyên họ ra tay làm việc thiện. Thấy bà Bình vất vả, nhiều khi đối mặt với hiểm nguy, người dân xung quanh khuyên bà từ bỏ cái nghề “không ai làm” này. Những lúc như thế, bà Bình chỉ cười trừ: “Mình nghèo thì đã nghèo rồi, khổ thì đã khổ rồi, thôi thì làm phúc được thêm việc gì cũng là tốt”.
Chị Nguyễn Thị Huyền, một người dân làng Chèm, cho biết: “Cả làng này và xóm chài ven sông chẳng ai như bà Bình và những người em trong nhà bà. Thi thể người nổi trên sông trương phình, lúc trồi, lúc hụp, ai trông thấy cũng sởn tóc gáy. Ấy thế mà có khi đang ăn cơm trên thuyền, bà ấy cũng bỏ bát bỏ đũa ùm xuống nước vớt nạn nhân lên bờ. Không ít người cảm phục đã gọi bà là “dị nhân sông Hồng”.
Khó thể dửng dưng
Bà Bình bắt đầu cứu người, vớt thi thể nạn nhân chết đuối từ năm 17 tuổi. Hai người em của bà là Cường và Tí cũng theo chị làm nghĩa cử này từ thuở nhỏ. Cả đời gắn bó với sông nước, đến giờ, khúc sông Hồng qua làng Chèm chỗ nào nông, sâu, nguy hiểm, chỗ nào thường có nước xoáy..., bà và những người trong gia đình đều thuộc như trong lòng bàn tay. Sống trên sông, ngủ trên sông nên không ít lần chị em bà Bình đã chứng kiến cảnh nhiều người trầm mình tự vẫn và họ khó thể dửng dưng.
Bà Bình nhớ mãi mùa lũ năm 1971, khi bà vừa tròn 17 tuổi. Thời tiết khắc nghiệt, lũ dâng cao làm ngập úng nhiều nơi. Khúc sông gia đình bà sinh sống từ Dầy Kẻ (Đan Phượng) đến Xù Gạ (Tây Hồ) chìm trong biển nước. Lũ dữ dằn cuốn phăng nhiều nóc nhà, cướp đi nhiều sinh mạng.
Con thuyền của gia đình bà Bình cũng tròng trành trong lũ dữ. Trong lúc cố giữ thuyền, giữ lưới, cô gái trẻ phải chứng kiến nhiều cảnh người bị lũ cuốn rồi nhấn chìm. Thế rồi, không thể cầm lòng trước cảnh tượng đó, cô đã lao ra khỏi thuyền, nhào xuống dòng sông đang sôi sùng sục để giành giật lại mạng sống của những người đang chới với trước lưỡi hái tử thần. Từ đó, nghiệp cứu người, vớt xác gắn với cuộc đời cô như một cái duyên nợ không rời bỏ.
Người dân sống gần khúc sông Hồng qua làng Chèm rất thán phục biệt tài bơi lặn của bà Bình. Đến nay, khi bà Bình đã xấp xỉ 60 tuổi, ngay cả cánh nam giới trong làng cũng chào thua bà về chuyện bơi lội.
Cái nắng, cái gió của cuộc đời sông nước khiến bà Bình già hơn nhiều so với tuổi tác. Tôi tò mò: “Bà đã cứu được bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu thi thể?”. Bà Bình lắc đầu, nghiêm giọng: “Tôi không nhớ nổi đâu, nhưng mà ai lại đi tính những cái đó làm gì! Tôi vớt nhiều người rồi tiếng đồn lan xa. Mỗi khi gia đình nạn nhân biết tin người nhà mình gặp nạn trên khúc sông này, họ liền đến nhờ tôi và gia đình”.
Còn sức còn vớt
Theo những người dân chài ở khúc sông Hồng đoạn qua làng Chèm, vớt người trên sông là một công việc đặc biệt, nó đòi hỏi những kỹ năng không giống ai. Có nắm bắt được quy luật dòng chảy và thuộc các vị trí xung yếu trên từng đoạn sông, từ đó tiên đoán chính xác nạn nhân nằm ở đâu, sâu hay cạn... thì mới vớt được. Người sắp chết đuối thường quẫy đạp, bám víu rất quyết liệt để giằng co giữa sự sống và cái chết theo phản xạ nên người đến cứu luôn bị đe dọa.
Vào mùa nước lũ, thi thể thường bị cuốn trôi khỏi điểm rơi chừng vài trăm mét mới chìm. Bà Bình cho biết nhiều khi nước lũ lớn lại cuốn phăng nạn nhân đến tận Long Biên, thậm chí tới Hưng Yên.
Với bà Bình, “nghề” cứu người trôi sông, vớt thi thể chết đuối chỉ trông chờ vào một dụng cụ đơn giản và hiệu quả. Đó là dây câu vuông với vô số lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Dụng cụ này được mắc vào hai chiếc thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi là có nạn nhân, thả xuống nước và kéo đi kéo lại, nhanh thì vài giờ, lâu thì 3-4 ngày mới tìm thấy thi thể. Nếu gặp thi thể, lưỡi câu mắc vào áo quần, da thịt nạn nhân. Người vớt kéo nhẹ thi thể đến gần thuyền rồi nhảy xuống buộc nạn nhân vào dây thừng để kéo vào bờ.
“Những nạn nhân chết đã lâu ngày, thi thể trương phình, thối rữa thì rất khó tìm. Chỉ đụng nhẹ vào là da thịt nạn nhân rã ra như một tờ giấy bị ngâm nước lâu ngày, mùi hôi không thể chịu được. Lúc ấy, chúng tôi phải mang gạo muối ra ném xuống sông để cung tiễn linh hồn nạn nhân về nhà. Làm vậy để nạn nhân ra đi thanh thản và chính bản thân người vớt xác như chúng tôi cũng thấy nhẹ người hơn” – bà Bình tiết lộ.
Gần 60 tuổi nhưng có đến 42 năm làm công việc vớt người, từ lâu bà Bình đã trở thành người cứu hộ bất đắc dĩ trên sông Hồng. Công việc này đã cho bà nhiều kinh nghiệm cứu người quý giá. Bà cho biết: “Trong trường hợp vớt người mới rơi xuống nước, tôi có thể biết còn cứu chữa được hay không. Có hai điều đáng lưu ý trong trường hợp cứu người đuối nước là không được tiêm thuốc và không được động vào bàng quang của họ bởi rất nguy hiểm, khó cứu sống”.
Giờ đã lớn tuổi nhưng bà Bình vẫn chưa có ý định nghỉ việc giúp người, bởi bà luôn quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận ở đời. Có lẽ, với bà Bình, hạnh phúc không nằm ở tiền bạc hay cuộc sống đủ đầy mà chính là ở cái tâm, cái tình. Câu nói của bà lúc chia tay để lại trong tôi nhiều ấn tượng: “Đời người như muối bỏ biển, biết sống chết thế nào. Cho nên, còn sức là tôi vẫn tiếp tục vớt người. Tuy nhiên, tôi mong mình mãi mãi không phải làm việc ấy”.
Kết nghĩa anh em trả ơn
Khi tôi hỏi về khoản “bồi dưỡng” sau những lần vớt người, bà Bình xua tay lia lịa: “Không bàn tới chuyện đó. Gia đình tôi chỉ sống bằng nghề chài lưới. Vớt người chỉ là công việc làm phúc, làm đức thôi”. Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Thụy Phương, cho biết: “Gia đình bà Bình thuộc diện nghèo của xã bởi công việc vớt xác của bà chỉ là làm việc thiện thôi, không lấy công xá gì”.
Bao nhiêu năm làm phúc cứu người nhưng căn nhà của bà Bình vẫn chỉ là một túp lều bé nhỏ và không có vật dụng gì đáng giá. Túp lều này thấp lè tè, mỗi lần mưa xuống, bà lại ôm chiếu chạy hết góc này sang góc khác để tránh dột.
Năm ngoái, con trai duy nhất của bà lấy vợ ở Hà Nam. Nhà cửa chẳng ra sao, tiền thì không có. “Ngại với nhà thông gia, ngại với bà con chòm xóm, tôi đành dắt con sang nhà người em trai nhờ lo hộ. Thừa thiếu sao, cậu ta chịu” - bà cười, bộc bạch.
Nhiều người làng Chèm và ngư dân xóm vạn chài nơi bà Bình sinh sống cho biết bà và những người trong gia đình có rất nhiều anh em kết nghĩa. Chuyện anh em kết nghĩa của gia đình bà Bình cũng bắt nguồn từ sự biết ơn, trả nghĩa của chính nạn nhân hoặc người thân của họ. |
Bình luận (0)