Đến đất Tổ Phú Thọ, khi tôi hỏi về gà 9 cựa, nhiều người liền bảo cứ đến các quán nhậu nổi tiếng. Trên bàn nhậu, gà nhiều cựa đang trở thành loại đặc sản hút khách. “Gà nhiều cựa thì nơi nào trên đất Phú Thọ cũng có, kể cả ở ngay TP Việt Trì này, song nếu muốn tìm được gà 9 cựa thì phải vào Xuân Sơn” - một người dân ở TP Việt Trì khẳng định.
Như thể tìm… chim!
Tôi quyết lần tìm về “quê hương bản quán” của “vua gà” ở chốn rừng thiêng khuất sâu trong những tán cổ thụ của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn - Phú Thọ). Anh xe ôm hẳn nghĩ tôi là dân buôn gà nên chở một lèo đến vựa gà của huyện Tân Sơn, cách TP Việt Trì 70 km. Đến nơi, tôi mới vỡ lẽ: Hóa ra các xã Tân Sơn, Xuân Đài, Minh Đài… của huyện Tân Sơn là nơi chuyên cung cấp gà nhiều cựa cho các quán nhậu ở dưới xuôi, chủ yếu là loại 6-7 cựa, thậm chí có cả con 8 cựa.
“Ông trùm” gà 9 cựa Bàn Văn Trường...
Cất công lên đến huyện miền núi vùng sâu, vùng xa nhất của Phú Thọ, nơi cách Hà Nội ngót 200 km, không lẽ chỉ thấy gà 8 cựa đã về! Nghĩ vậy nên tôi quyết mục sở thị bằng được gà 9 cựa mới thôi. Băng qua những con đường trơn trượt quanh co thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xuyên qua những làn sương mù lẫn với mây đặc quánh, cuối cùng tôi đã đến được xã Xuân Sơn.
Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, tôi mới được những người Dao ở Xuân Sơn tin đến đây không phải để mua gà nhiều cựa về làm thịt. Họ cứ đinh ninh rằng người lạ lặn lội vào tận Xuân Sơn ắt hẳn là để tìm mua gà về giết thịt.
Ở bản Cỏi có 2 già làng được mệnh danh là những “ông trùm” gà 9 cựa. Trong đó, cụ Bàn Văn Trường, nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn quắc thước, da thịt săn chắc như đám thanh niên, nhớ lại: “Gà 9 cựa có mặt ở vùng đất này từ lúc nào thì tôi cũng không hay.
Lúc tôi còn bé tí đã thấy trong nhà có những con gà với những cái cựa tua tủa như gai nhọn”. Cụ Trường kể rằng ngày cụ còn bé, con gà nào có đủ 9 cựa thì không bao giờ bị giết thịt và cũng chẳng thấy chúng chết. Chỉ biết rằng đột nhiên vào một ngày nào đó, chúng biến mất và không bao giờ quay trở về nữa.
Tìm chỗ “sơ tán” cho gà
Có nhiều giai thoại và những lời đồn thổi khác nhau về gà 9 cựa. Người thì bảo đây là giống gà rừng nhưng thông minh và thích gần gũi với con người nên “dọn” về sống với con người từ xa xưa. Có người lại nói giống gà này là gà nhà, được người Dao ở Xuân Sơn nuôi dưỡng như gia cầm, chỉ có điều sức vóc cũng như sự tinh anh đã khiến nó rất được coi trọng.
Người Dao ở Xuân Sơn khẳng định gà 9 cựa thông minh tới mức có thể trông nhà khi chủ đi vắng. Thực hư thế nào thì chỉ có người Dao làm bạn với gà 9 cựa bao đời nay mới biết rõ nhưng riêng mình, tôi đã được chứng kiến tận mắt cảnh 3 thanh niên không bắt nổi chú gà 8 cựa - nói gì đến 9 cựa, dù đã dùng đủ mọi “mưu kế”, đưa ra nhiều mồi nhử.
...và con gà 8 cựa của ông mà có người đã trả giá cả triệu đồng
Háo hức đến Xuân Sơn để quyết tìm gà 9 cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nhưng cuối cùng, tìm mỏi mắt tôi cũng chỉ có thể thấy được loại 8 cựa. Ông Đặng Văn Phúc, trưởng bản Cỏi, khẳng định: “Gà 9 cựa bây giờ hiếm lắm, họa hoằn mới có một con. Tôi cũng có một con nhưng đang nhốt nó trong rừng.
Cũng tại mấy năm trước, người ta đổ xô đi kiếm loại gà này để làm thịt ăn vì có quan niệm gà 9 cựa là một vị thuốc quý”. Xót xa trước cảnh gà 9 cựa cứ mất dần rồi vắng bóng hẳn, những bậc cao niên như ông Phúc, cụ Trường đã tìm một khoảnh đất trong rừng sâu làm nơi “sơ tán” cho loại gà này.
Cụ Trường tiết lộ: “Hồi trước Tết Tân Mão, có người lên đây trả con gà 9 cựa của tôi giá 3 triệu đồng nhưng tôi không bán. Tôi đã nuôi nó gần 3 năm nay”. Thắc mắc của tôi liên quan đến truyền thuyết vua Hùng kén rể với “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” ở bản Cỏi cũng không có ai giải đáp được. Ông Phúc nhận xét: “Không biết gà 9 cựa ở đất Xuân Sơn này có liên quan gì đến sự tích vua Hùng kén rể không nhưng có một điều chắc chắn là gà này không phải loại bình thường”.
Gà 8 cựa còn khá nhiều ở Xuân Sơn
Người Xuân Sơn cho biết gà 9 cựa có sức khỏe phi thường, lông mượt, mào đỏ như máu. Gà trống oai phong, uy lẫm khác thường. Tiếng gáy của gà trống 9 cựa vang vọng núi rừng, đủ sức đánh thức cả bản. Có người đã chứng kiến chuyện một chú gà 9 cựa từng đánh cho một con gà chọi thuộc loại bách chiến bách thắng chạy tháo thân. Ông Trường hóm hỉnh: “Trong đàn, nếu có một chú gà trống 8-9 cựa thì phải có 10 gà mái”.
Chỉ còn 2-3 con 9 cựa?
Hơn 300 con gà 7 cựa trở lên
Ông Hoàng Anh Tuấn, cán bộ UBND xã Xuân Sơn, cho biết chính quyền địa phương đang tìm cách giúp người dân bảo tồn gà 9 cựa. Ban Khuyến nông của xã Xuân Sơn cũng thống kê số lượng gà nhiều cựa của các hộ dân. Theo đó, gà từ 7 cựa trở lên có hơn 300 con. Theo ông Tuấn, xã Xuân Sơn đã có quyết định chọn 5 hộ gia đình ở 4 bản thí điểm mô hình bảo tồn gà 9 cựa. Các gia đình này sẽ được hỗ trợ tiền làm chuồng trại, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gà.
“Các loại gà nhiều cựa có giá trị kinh tế khá cao vì giá bán tới 300.000 đồng/kg. Vì thế, người dân vừa có thể yên tâm nuôi gà nhiều cựa tăng gia sản xuất vừa có thể chắt lọc để bảo tồn nguồn gien quý” – ông Tuấn cho biết. Vì thế, trong tương lai không xa, gà 9 cựa sẽ trở lại, cất tiếng gáy oai hùng trên vùng núi rừng Xuân Sơn nơi đất Tổ. |
“Khu bảo tồn gà” bí mật trong rừng Xuân Sơn của các bậc cao niên tại bản Cỏi nằm ở đâu là điều tuyệt mật, ngay người sống ở đây cũng không biết. Các bậc cao niên cho rằng để tránh những kẻ săn gà 9 cựa bán cho các nhà hàng, chỉ còn làm cách đó. Nghe đâu cả đất Xuân Sơn bây giờ cũng chỉ còn 2-3 con gà 9 cựa. Một số kiểm lâm viên được ca ngợi là “thuộc rừng như lòng bàn tay” cũng cho biết đã lâu lắm rồi, họ chưa tận mắt thấy con gà 9 cựa nào.
Anh Triệu Văn Hè, người được dân Xuân Sơn ví von là “chàng Sơn Tinh của núi rừng” bởi niềm say mê hiếm có mà anh dành cho gà 9 cựa, tâm sự: “Tôi tìm gà 9 cựa không phải để dùng làm lễ vật hỏi vợ. Tôi cho rằng nếu thống kê được số lượng gà 9 cựa sẽ thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn loại gà này”. Anh Hè là người đã tận tình dẫn tôi đi khắp nơi xem gà nhiều cựa. Đến lúc sắp chia tay nhau thì tôi và anh mới ngã ngửa khi nghe gà 9 cựa có trong quán nhậu Lan Mười ở xã Xuân Đài. May quá, đây là chú gà sống chứ không phải đã bị chặt ra bày trên mâm phục vụ thực khách!
Người chủ quán nhậu Lan Mười tiết lộ: “Đây là chú gà 9 cựa rất quý hiếm và chúng tôi chỉ dùng với mục đích phối giống. Tuy vậy, hậu duệ của con gà 9 cựa này thì cũng chưa có con nào đạt đủ tiêu chuẩn 9 cựa mà thường chỉ có 7-8 cựa”. Dù đã cùng anh Hè nài nỉ nhiều lần, tôi vẫn không được chủ quán nhậu cho xem hoặc chụp ảnh chú gà này.
Anh Hè cho biết: “Mấy năm trước, khi đợt dịch cúm gia cầm quét qua các bản làng ở Xuân Sơn, tôi từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy gà 9 cựa nữa”. Theo anh Hè, đúng là thịt loại gà nhiều cựa ăn ngon và thơm khác hẳn gà thông thường. Tuy nhiên, cũng vì ưu điểm này mà gà 9 cựa mới phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. “Chàng Sơn Tinh” đất Xuân Sơn bảo rằng muốn giữ gìn nguồn gien quý thì không nên ăn các con gà có từ 8 cựa trở lên, chỉ nên sử dụng nó cho mục đích phối giống.
Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, anh Trần Đăng Hùng, phó giám đốc, băn khoăn: “Trước đây, cán bộ và kỹ sư của vườn hễ cứ bắt gặp gà 9 cựa là ghi chép cụ thể, tỉ mỉ nặng bao nhiêu, trống hay mái, đã nuôi bao nhiêu năm. Gần đây, ít thấy gà 9 cựa thật, gà 7 - 8 cựa giờ mọi người đã gọi là 9 cựa rồi.
Có giai đoạn Vườn Quốc gia Xuân Sơn cũng thử nghiệm nuôi gà nhiều cựa và cho phối giống nhưng cũng không có con gà 9 cựa nào ra đời. Tôi cho rằng đây là nguồn gien rất quý hiếm nên phải có kế hoạch bảo tồn ngay lập tức, nếu không muốn gà 9 cựa biến mất vĩnh viễn”.
Bình luận (0)