xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Địa táng hay hỏa táng?

Bài và ảnh: THU HỒNG

Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP HCM sẽ hoàn tất việc di dời, đóng cửa những nghĩa trang xen cài trong khu dân cư. Với đề án trên, các địa phương đã hạn chế việc chôn cất theo hình thức địa táng.

Đề án di dời nghĩa trang ra khỏi khu dân cư xuất phát từ đề xuất của UBND quận 2 khi nhiều nghĩa trang trên địa bàn quận này nằm giáp ranh khu dân cư, không có khoảng cách ly.

Ảnh hưởng sức khỏe người dân

Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm các giếng nằm ở vị trí tiếp giáp nghĩa trang cho thấy nhiễm vi sinh, kim loại nặng, tuy mức độ chưa trầm trọng nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Không riêng gì quận 2, cảnh “sống chung với người chết” là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn TP.

Dù đến năm 2025 sẽ không còn nghĩa trang xen cài trong khu dân cư nhưng từ nhiều năm nay, TP HCM đã nghiêm cấm việc chôn cất trong đất vườn và hạn chế phát sinh mộ mới tại các nghĩa trang cũ để chuẩn bị thực hiện đề án trên.

Nhà cửa chen chúc với mồ mả tạo nên môi trường sống không bảo đảm

Nhà cửa chen chúc với mồ mả tạo nên môi trường sống không bảo đảm

Huyện Hóc Môn là nơi có diện tích đất mồ mả xen cài trong khu dân cư khá lớn với hơn 180 ha gồm cả nghĩa trang nhà nước và nghĩa trang tư nhân. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết khi chưa có đề án thì nhiều năm nay, huyện đã khuyến khích người dân chuyển từ hình thức địa táng sang hỏa táng, ngăn chặn việc phát sinh mộ mới, vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa giảm chi phí cho người dân.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, phân tích thêm: “Trong chương trình phát triển nông thôn mới về quy hoạch, chỉnh trang nghĩa trang cũ, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân nên hỏa táng, dù địa táng là hình thức truyền thống nhưng xét điều kiện sống hiện tại thì không còn phù hợp. Hiện nay, chúng tôi đã nghiêm cấm và xử lý dứt khoát các trường hợp xẻ đất vườn bán huyệt mộ hoặc những trường hợp phát sinh mộ mới ở nghĩa trang cũ. Trên địa bàn huyện đã có 2 dự án xây dựng lò hỏa táng, một sắp hoàn thành ở xã Phú Hòa Đông và một đang chờ triển khai”.

Tại quận 12, từ lâu đã cắm bảng thông báo ở hầu hết nghĩa trang để ngăn chặn phát sinh mộ mới và chính quyền cũng vận động người dân nên hỏa táng để tiết kiệm chi phí, bảo đảm văn minh và vệ sinh môi trường.

Cần thêm thời gian

Hỏa táng là hình thức mai táng văn minh, phù hợp với đời sống hiện đại nhưng để phổ biến và trở thành thói quen thì cần có thêm thời gian do tập tục, tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống qua nhiều thế hệ.

Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn), lý giải: “Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Trung Hoa, trong đó có hình thức địa táng, thậm chí còn phải xem ngày, giờ, hướng tốt… để người chết phù hộ con cháu làm ăn phát đạt. Không rõ từ bao giờ địa táng trở thành thói quen lâu đời của người dân, điều đó phù hợp với điều kiện đất rộng người thưa nhưng tình trạng đất chật người đông như hiện nay thì không còn phù hợp”. Theo Thượng tọa Thích Chân Tính, hỏa táng không phải là hình thức mới mẻ bởi hơn 2.000 năm trước, ở Ấn Độ, Đức Phật khi mất đi cũng đã hỏa táng. Chưa kể, trong đạo Phật, lý giải con người xuất thân từ cát bụi, khi chết cũng trở về cát bụi, do đó hỏa táng là rất tốt, giúp người chết sớm siêu thoát, đúng triết lý “trở về cát bụi”.

Dẫn chúng tôi đến nghĩa trang rộng 10.000 m2 nằm sau khuôn viên chùa, Thượng tọa Thích Chân Tính xót xa: “Rất nhiều ngôi mộ không người đến thăm viếng, nhang khói, trái hẳn với không gian ấm cúng của nhà để cốt đặt trong khuôn viên chùa, mỗi ngày đều có người viếng thăm”.

Theo linh mục Lê Hoàng, chánh xứ nhà thờ Thiên Ân (quận Bình Tân), địa táng hay hỏa táng tùy thuộc vào điều kiện và nhận thức tâm linh của mỗi cá nhân. Với điều kiện phát triển hiện nay, đất chật người đông, người dân bắt đầu chọn hỏa táng vì tiết kiệm chi phí và dễ di chuyển tro cốt. “Trong bài giảng, nhà thờ có khuyến khích hình thức hỏa táng. Hiện nay, hầu hết các nhà thờ đều có nhà chờ phục sinh - nơi để tro cốt người chết” - linh mục Lê Hoàng cho biết.

“Thạch cốt” để giảm ô nhiễm

Tiến bộ thêm một bước, nhiều nhà chùa, nhà thờ bắt đầu khuyến khích người dân áp dụng hình thức “thạch cốt” nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Với hình thức này, tro cốt được loại bỏ tạp chất, xử lý khí độc, vi khuẩn và ướp trầm hương…; sau đó, được chuyển đổi dưới dạng khối rắn có độ cứng tương đương đá granit và đựng trong khối đá vuông vắn, cứng chắc.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo