Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore, tỉ trọng khu vực dịch vụ hỗ trợ chiếm khoảng 10% GDP. Tại VN, với 90% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thì các dịch vụ này càng chiếm một vị trí quan trọng trong sự hỗ trợ về chuyên môn. Tuy nhiên, dịch vụ này vì nhiều lý do chưa thật sự sát cánh cùng DN. Năm 2001, khu vực dịch vụ chiếm 48,4% GDP nhưng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của VN chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ: Năm 1996 gần 1% đến năm 2001 mới tăng lên... 2%.
5% DN sử dụng dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu
Theo Tổ chức Lao động Thế giới (MPDF), năm 2000 tại VN có khoảng 3% DN vừa và nhỏ sử dụng quảng cáo qua Internet và dịch vụ thiết kế, 5% DN sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, 7% DN sử dụng các dịch vụ văn phòng phẩm và thông tin. Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là dịch vụ phân phối (76%), đào tạo (74%) và dịch vụ kế toán- kiểm toán khoảng 50%. Gần đây xuất hiện một số dịch vụ mới như dịch vụ “săn đầu người” (tư vấn về quản trị nhân sự), dịch vụ “hậu cần” (vận chuyển hàng hóa, thu tiền...). Các dịch vụ này giúp cho các DN giảm chi phí cố định, cung cấp kỹ năng, cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng hoạt động. Không chỉ các DN mà khu vực kinh tế nông thôn cũng rất cần đến các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ thương mại; tài chính; cung ứng vật tư, kỹ thuật nông nghiệp... Năm 2002, trong cơ cấu kinh tế nông thôn, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng khoảng 35%. Thạc sĩ Vũ Đức Minh (Trường ĐH Thương mại) cho rằng, các ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, giải quyết lao động, tăng thu nhập cho nông dân.
84% các DN tự làm lấy các hoạt động nghiên cứu thị trường
Theo tiến sĩ Lê Quân (Trường ĐH Thương mại), dịch vụ hỗ trợ của ta còn thiếu tính chuyên nghiệp và ít bám sát với nhu cầu của khách hàng. Ông Trần Tô Tử, Giám đốc Công ty Tư vấn ICC, nhận xét khu vực dịch vụ hỗ trợ DN ở VN chưa phát triển do thói quen tự làm lấy mọi việc của các DN VN mà không nhờ đến các tổ chức chuyên nghiệp. Điều tra của MPDF, 84% số DN cho biết họ tự làm lấy các hoạt động nghiên cứu thị trường, 71% các DN tự làm lấy hoạt động tư vấn... Các công ty kinh doanh dịch vụ này cũng chưa gây được niềm tin với khách hàng về chất lượng dịch vụ và cách phục vụ. Điển hình là dịch vụ quảng cáo do các công ty của VN thiết kế tổ chức, chất lượng không thể bằng các công ty nước ngoài. Có trường hợp phải nhờ các công ty nước ngoài gia công lại. Có DN thuê công ty dịch vụ hoạch định chiến lược kinh doanh. Sau khi nhận tiền, công ty dịch vụ này lại bán sản phẩm cho chính đối thủ của DN đã thuê làm. Theo ông Tử, giá phí dịch vụ tư vấn hiện nay cao do thuế GTGT của loại hình dịch vụ này quá cao (10%). “Lao động chất xám, không có thuế GTGT đầu vào để khấu trừ nên mức thuế GTGT 10% đang áp dụng là quá cao, điều này đã hạn chế việc sử dụng dịch vụ tư vấn”- ông Tử nói. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm thúc đẩy ngành dịch vụ hỗ trợ do chưa thực sự coi trọng những sản phẩm vô hình. Về phía các DN, ông Tử cho rằng “hạ mức phí, nâng cao tính chuyên nghiệp và đẩy mạnh tiếp thị” là 3 bước mà các DN cần phải làm ngay.
Bình luận (0)