Số lượng thuê bao Internet đang tăng khá mạnh trong vài năm trở lại đây. Tính đến tháng 6-2004, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ đường truyền Internet đã có được khoảng 1,3 triệu thuê bao.
VNPT lợi thế hơn các đối thủ
Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) vẫn chiếm vị trí hàng đầu với tỉ lệ 56%, có hơn 700.000 thuê bao; kế đó là FPT với 276.000 thuê bao và thứ ba là Saigon Postel với hơn 97.000 thuê bao. Các DN nối gót phía sau là Netnam - Viettel – OCI - Hanoi Telecom. Mặc dù có đến 13 đơn vị được cấp phép nhưng hiện tại chỉ có 7 đơn vị chính thức cung cấp dịch vụ Internet.
Số lượng thuê bao trong năm nay đã tăng khá đáng kể. Trong mấy tháng đầu năm, VNPT đã tăng đến 300.000 thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái; FPT tăng hơn 98.000 và Netnam tăng khoảng 28.000 thuê bao. VNPT luôn đứng đầu bảng về dịch vụ Internet cũng là chuyện thường tình vì họ ra đời trước và có được sự hỗ trợ của 61 bưu điện tỉnh, thành trên phạm vi toàn quốc. Đây là điểm khó khăn cố hữu mà hầu như các DN ra đời sau đều vướng phải. Netnam đã bao phen vất vả trong việc khai thác dịch vụ Internet vì không thể hỗ trợ việc truy cập Internet từ một số tỉnh, thành và khách hàng muốn sử dụng Netnam phải trả thêm tiền điện thoại liên tỉnh. Trong khi đó, khách hàng sử dụng dịch vụ Internet của VDC sẽ không phải lo lắng vì VNPT đã có điểm truy cập trực tiếp (node) khắp 61 tỉnh, thành.
Cuộc chạy đua hạ tầng
VNPT luôn đi trước
Hiện chỉ có VNPT với lợi thế DN chủ đạo trong ngành bưu chính – viễn thông đã vượt lên rất xa so với các đối thủ còn lại trong việc nâng cấp hạ tầng mạng viễn thông. Đây chính là nền tảng để dịch vụ Internet và các dịch vụ viễn thông thế hệ mới có đất dụng võ. VNPT đã khởi động mạnh mẽ dự án chuyển đổi mạng viễn thông quốc gia trở thành mạng viễn thông thế hệ mới - NGN. Ngay cả công nghệ truy cập Internet không dây Wi-Fi cũng được VNPT đưa vào sử dụng trước các đơn vị khác. |
Viettel tuy vào cuộc chậm hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP khác nhưng họ đã kịp triển khai hệ thống hạ tầng hoàn toàn mới với công nghệ NGN (Next Generation Network). Dựa trên nền hạ tầng này, Viettel sẽ chủ động đưa ra nhiều dịch vụ viễn thông thế hệ mới và bắt kịp VNPT. Điều này đã giúp Viettel tăng nhanh số lượng thuê bao Internet trong những tháng vừa qua (tháng 6 tăng hơn 100% so với tháng trước). Saigon Postel, Netnam và Hanoi Telecom vẫn đang vật lộn với những giải pháp khác nhau nên chưa thể tham gia vào cuộc chạy đua hạ tầng này.
Trong tương lai gần, dịch vụ Wi-Fi sẽ nhanh chóng trở thành đích chạy đua của các ISP trong năm 2005 vì công nghệ truy cập mạng không dây hiện đang phát triển mạnh trên thế giới. Hiện nay, Công ty VDC (thuộc VNPT) đang thiết lập các trạm thu phát sóng (hot spot) vô tuyến Wi-Fi tại những khu vực công cộng như sân bay, trung tâm tổ chức hội chợ - triển lãm, một số khách sạn,... Những người sử dụng thiết bị di động như PDA hoặc máy tính xách tay được trang bị công nghệ truy cập mạng không dây có thể truy cập Internet một cách thoải mái trong phạm vi cố định. Tuần vừa qua, Bộ Bưu chính Viễn thông chính thức xác nhận bằng văn bản việc cho phép các ISP (đã được cấp phép) được quyền khai thác dịch vụ Wi-Fi mà không cần xin giấy phép mới.
Đường truyền quyết định khách hàng
Người sử dụng Internet cần nhất là tốc độ truy cập và điều này chỉ có một số DN chiếm thị phần lớn như VNPT, FPT, Saigon Postel,... mới có thể đáp ứng được. Họ phải đầu tư khá nhiều tiền để thuê lại kênh viễn thông quốc tế và liên tục mở rộng đường truyền. Tính đến nay, dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của VN là 1.036Mbps. Trong số đó, VNPT chiếm hết 905 Mbps, FPT là 89Mbps, Viettel là 38 Mbps; còn lại là đường truyền của Công ty Viễn thông điện lực và Saigon Postel với dung lượng 2Mbps/đơn vị.
Chắc ai cũng từng khó chịu với tình cảnh tốc độ truy cập qua điện thoại (dial-up) xuống đến dưới 30Kbps! Để giải quyết tình trạng nghẽn mạch thường xuyên này và tăng tốc truy cập, các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải tích cực hơn trong việc mở rộng đường truyền. Mặt khác, sự xuất hiện của dịch vụ thuê kênh Internet tốc độ cao ADSL đã góp phần “bóp nghẹt” đường truyền phổ thông của số đông khách hàng. Càng nhiều thuê bao ADSL cũng đồng nghĩa với dung lượng đường kết nối Internet bị chia cắt thành nhiều mảnh để “bán giá sỉ” và người ít tiền (đường truyền hẹp) sẽ lãnh đủ khi gặp tình trạng nghẽn mạch.
Mặt khác, việc trang bị đường truyền Internet dự phòng là một kinh nghiệm đáng nhớ sau sự cố “sập” đường truyền Internet của FPT. Khoảng 1/3 thuê bao Internet của FPT bị tê liệt và cả triệu lá thư điện tử nằm kẹt tại máy chủ không thể chuyển đi được. Để tránh các trường hợp rủi ro như trên và hỗ trợ khách hàng ở mức tốt nhất, các DN cần có giải pháp đường truyền dự phòng với nhiều hướng kết nối quốc tế (đứt đường này còn đường kia). Lẽ dĩ nhiên, do VN vẫn tồn tại lối suy nghĩ chỉ đầu tư mở rộng hạ tầng khi có được số lượng thuê bao khá lớn (gần nghẽn mạch mới tháo gỡ) vì thế, người tiêu dùng phải tùy cơ ứng biến trong việc chọn mặt gởi... tiền. Nếu muốn thoải mái truy cập Internet với đường truyền tốc độ cao có thể đăng ký ADSL; còn khi ít tiền hoặc chưa có nhu cầu sử dụng cao cứ đăng ký dịch vụ Internet thông thường với các DN lớn cho chắc ăn!
Cạnh tranh bằng giá cước
Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) vừa tung ra chương trình giảm cước cho loại dịch vụ VNN – truy cập Internet trực tiếp. Bắt đầu từ ngày 1-8, VDC sẽ giảm cước dịch vụ VNN Internet trực tiếp IXP (cung cấp kết nối Internet) – ISP (cung cấp dịch vụ Internet). Ngoài các DN kinh doanh dịch vụ Internet; những đối tượng khách hàng bình thường sẽ có cơ hội được giảm giá khi sử dụng dịch vụ truy cập Internet trực tiếp - VNN Timing Leased-line với mức giảm cước 40%. Ngoài ra, VDC còn đưa ra những chính sách bán hàng với mức ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng ký hợp đồng dài hạn: khách hàng ký hợp đồng từ 1,5 năm tới dưới 3 năm được giảm 10% cước, khách hàng ký hợp đồng từ 3 năm trở lên sẽ được giảm 15% cước. Đối với diện khách hàng là các DN thuê đường truyền để kinh doanh dịch vụ Internet sẽ được giảm mức cước trần ISP khoảng 20%; giảm mức cước trần IXP khoảng 15%.
Netnam đang khuyến mãi cấp tập cho loại hình dịch vụ thẻ Internet với hình thức đa dạng. Nếu mua thẻ @card loại 100.000 đồng (đến hết tháng 7), bạn sẽ được tặng 200.000 đồng; mua thẻ 200.000 đồng tặng 500.000 đồng; mua thẻ 300.000 đồng tặng ngay 700.000 đồng và thẻ 500.000 đồng được tặng đến 1.300.000 đồng! Ngoài ra, Netnam còn tặng 8 – 10 giờ/ngày cho các loại thẻ Netnam Daily và Student card. Bạn chỉ cần mua thẻ truy cập Internet Student sẽ được sử dụng 17 giờ truy cập và thời hạn 30 ngày sử dụng (dành cho khu vực phía Bắc). Đối với các thuê bao trả sau, Netnam tặng cước truy cập cho khách hàng đăng ký mới. Trong 2 tháng đầu tiên, khách hàng sẽ được tặng 45.000 đồng (cước phí) nếu cước truy cập đạt mức 70.000 đồng/tháng trở lên và tặng 15.000 đồng nếu đạt mức 30.000 đồng/tháng.
Công ty Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) cũng khuyến mãi mạnh cho người sử dụng thẻ truy cập Internet. Đối với thẻ mệnh giá 50.000 đồng sẽ được tặng 100.000 đồng vào tài khoản; thẻ 100.000 đồng được tặng 200.000 đồng; thẻ 200.000 đồng sẽ được tặng 400.000 đồng và thẻ 300.000 đồng sẽ được tặng đến 600.000 đồng. Chương trình khuyến mãi này sẽ kéo dài đến hết tháng 9-2004.
PHẠM MAI |
Bình luận (0)