xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm tựa Trường Sa

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Ngư dân khai thác trên biển luôn xem y, bác sĩ và các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa là điểm tựa tin cậy, vững chắc mỗi khi gặp rủi ro, tai nạn

Sáng 9-1, hai tàu cá PY-92122TS và PY-90154TS đã đưa 2 ngư dân là Trần Văn Thông (SN 1978, ngụ xã An Phú, TP Tuy Hòa - Phú Yên) và Nguyễn Hòa (SN 1982, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) bị nạn trên biển từ đảo Song Tử Tây - Trường Sa về đất liền.

Đối mặt thần chết

Nghe tin Thông trở về, trưa 9-1, rất đông người dân xã An Phú đến thăm hỏi. Chị Nguyễn Thị Kim Huê, vợ Thông, mừng mừng tủi tủi, mắt đỏ hoe nghẹn ngào: “Anh về được với gia đình là may lắm rồi, mất bàn tay còn làm được việc khác. Em ngỡ anh sẽ chẳng bao giờ về nữa”.
 
img
Các bác sĩ Trạm xá Song Tử Tây phẫu thuật cho ngư dân Trần Vãn Thông (Ảnh do trạm xá Song Tử Tây cung cấp)
 
img
Ngư dân Nguyễn Hòa bị tai nạn đuợc cấp cứu tại đảo Song Tử Tây

Thông kể lại sáng 23-12-2012, sau chuyến đánh bắt khoảng 10 ngày, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Phùng thấy cá đã lưng tàu PY-92122TS nên đề nghị anh xay thêm đá lạnh để ướp. “Chỉ một giây lơ là, bàn tay phải của tôi không rút lại kịp đã bị lưỡi cưa máy xay đá cuốn vào. Tôi chỉ kịp la lên rồi ngất xỉu” - Thông kể.

Theo thuyền trưởng Phùng, lúc ấy, tàu đang đánh bắt ở vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 27 hải lý. Sau khi bị máy cưa đá cắt gần như đứt rời bàn tay, Thông bị ra máu nhiều, nếu cho tàu chạy về đất liền sẽ mất 3 ngày đêm, anh sẽ mất máu và tử vong nên thuyền trưởng quyết định cho tàu cập đảo Song Tử Tây nhờ cấp cứu. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, gió cấp 6 nên phải mất 1 ngày đêm, tàu mới vào được đảo.

“Suốt thời gian ấy, tôi cứ nghĩ Thông không qua khỏi. Dù điện đàm về đất liền nhờ hướng dẫn cách sơ cứu, cầm máu nhưng máu từ bàn tay Thông vẫn tuôn ra. Người anh ấy lạnh ngắt, tím tái” - thuyền trưởng Phùng nhớ lại.

Chỉ sau đó hơn 10 ngày, sáng 4-1, trong khi tàu PY-90154TS đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 2 hải lý, ngư dân Nguyễn Hòa lại bị tai nạn tương tự. Trong khi xay đá lạnh ướp cá, Hòa cũng bị lưỡi cưa cuốn bàn tay trái dập nát. “Nhìn các ngón tay lủng lẳng, máu tuôn đầm đìa, tôi nghĩ mình sẽ chết nếu không được cấp cứu kịp thời” - Hòa kể. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Thạch lập tức hủy chuyến biển, đưa tàu cùng 10 ngư dân vào đảo Song Tử Tây để cấp cứu cho Hòa.

“Ngư dân chúng tôi đánh bắt trên biển rủi ro, tai nạn luôn rình rập. Cũng may có y, bác sĩ của mình trên các đảo cấp cứu kịp thời, nếu không, hậu họa thật khó lường. Chúng tôi luôn xem Trường Sa là điểm tựa tin cậy, vững chắc, gặp chuyện gì đã có các chiến sĩ, bác sĩ ở đó giúp đỡ, nhờ vậy mà ngư dân vững tâm ra khơi” - ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 - TP Tuy Hòa, cảm kích.

Còn sống là nhờ các anh

Đó là câu nói trong nước mắt của Trần Văn Thông với người mẹ của mình, bà Nguyễn Thị Chín, ngay khi gặp mặt.

Qua số điện thoại do các ngư dân lưu lại, chúng tôi liên lạc được với bác sĩ Kiều Đức Vinh, Trạm trưởng Trạm xá Song Tử Tây, người trực tiếp phẫu thuật cho Thông. Bác sĩ Vinh cho biết trường hợp của Thông là một trong những ca nặng được đưa vào đảo trong năm qua. Lúc ấy, vì mất máu, mạch đập yếu, thân nhiệt giảm, nguy cơ tử vong của Thông rất cao. Sau khi các chiến sĩ trên đảo cho máu, anh được đưa ngay lên bàn phẫu thuật.

“Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ phải cứu bằng được ngư dân của mình. Họ không chỉ là đồng bào của mình mà còn cùng mình giữ biển. Không thể để họ ra đi!” - bác sĩ Vinh quả quyết. Vết thương của Thông đã bị hoại tử, cánh tay sưng vù. Bác sĩ Vinh quyết định cắt bỏ bàn tay bị dập nát để cứu lấy cánh tay Thông. “Sau một ngày, tôi tỉnh lại đã thấy bác sĩ Vinh ngồi đấy. Câu đầu tiên anh ấy bảo tôi là “ổn rồi”. Tôi nhìn không còn bàn tay thấy cũng buồn nhưng nghĩ mình được sống đã là may mắn lắm rồi. Nếu không có các bác sĩ ở đây…” - Thông nghẹn lời.

Trường hợp của Nguyễn Hòa nhẹ hơn nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Lãm, người tiếp nhận ngư dân này tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khi anh được chuyển từ Trường Sa về, nếu không được y, bác sĩ trên đảo Song Tử Tây cấp cứu kịp thời, vết thương sẽ hoại tử, anh sẽ mất cánh tay, thậm chí tử vong. Theo thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Thạch, khi lên đảo, Hòa đã bị choáng vì mất nhiều máu. Bác sĩ Vinh trao đổi với thuyền trưởng và quyết định cắt bỏ ngón tay út đã bị máy cưa đá cắt đứt lủng lẳng và cố giữ các ngón tay còn lại trên bàn tay dập nát.

“55 tuổi đời, vào ra bệnh viện nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được câu “lương y như từ mẫu”. Lúc chúng tôi rời đảo, bác sĩ Vinh còn cho thêm thuốc và dặn dò Hòa cẩn thận lên tàu ra sao, về nhà phải nhập viện thế nào... Các y, bác sĩ Trường Sa tận tình hết sức”- thuyền trưởng Thạch xúc động.

Hãy vững tâm ra khơi!

Bác sĩ Kiều Ðức Vinh, Trạm truởng Trạm xá Song Tử Tây, cho biết hằng năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đều cử một đoàn y, bác sĩ ra các đảo của Truờng Sa công tác. Riêng đảo Song Tử Tây, ngoài bác sĩ Vinh chuyên khoa ngoại, còn có bác sĩ Nguyễn Trọng Thế chuyên khoa nội và 5 y sĩ. Từ năm 2012 đến nay, trạm xá này đã cấp cứu cho hơn 10 truờng hợp ngư dân gặp nạn, đau ốm. Gần đây, ông Ngô Vãn Sang, ngư dân Quảng Ngãi, bị đau ruột thừa khi đang đánh bắt, đã đuợc trạm xá mổ cấp cứu kịp thời...

Ngư dân hãy vững tâm ra khơi vì Truờng Sa đã có chúng tôi!”- bác sĩ Vinh khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo