Vào chiến dịch, Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam đã huy động 4 sư đoàn bộ binh (thời đó gọi là đại đoàn) và 1 sư đoàn công pháo (gồm cả pháo binh và công binh). Trong số các chỉ huy đại đoàn, Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351, ông Đào Văn Trường (97 tuổi) là người duy nhất còn sống đến nay.
Ngày u ám của pháo binh Pháp
Ông Đào Văn Trường đã tham dự tất cả các cuộc họp quan trọng tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: “Để chuẩn bị cho chiến dịch, lần đầu tiên, quân đội ta có 1 đại đoàn pháo binh mạnh với 5 tiểu đoàn. Lực lượng sĩ quan pháo binh được gửi đi Trung Quốc đào tạo từ giữa năm 1953 khi ấy đã có thể làm chủ các trang bị khí tài do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ”.
Pháo binh của Đại đoàn 351 nổ phát súng lệnh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo Tư lệnh Đại đoàn 351 Đào Văn Trường, trước giờ nổ súng, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện thoại xuống tận Trung đoàn 45 của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mỹ để hỏi pháo đã vào trận địa, đã sẵn sàng nhắm vào các mục tiêu của địch hay chưa.
Ông Đào Văn Trường (hàng đầu, bìa phải) cùng các cán bộ cao cấp của QĐND Việt Nam chụp ảnh với Bác Hồ.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhớ lại sự sâu sát của người anh cả QĐND Việt Nam, ông Trường bồi hồi: “Lẽ ra theo kế hoạch, 18 giờ, pháo binh của ta mới phát hỏa nhưng Đại tướng vẫn lo lắng ta chưa có nhiều thời gian để làm chủ khí tài, trước đó cũng chưa từng đánh một trận lớn mà phải bắn nhiều đến thế. Do vậy, anh Văn (tên thường gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) chỉ thị sau 13 giờ, cho phép pháo binh bắn 20 quả đạn. Đến gần 17 giờ, anh Văn lại gọi xuống để kiểm tra tình hình. Khi biết pháo binh đã bắn rất chuẩn, anh ra lệnh tấn công địch vào 17 giờ, sớm hơn 1 giờ so với kế hoạch ban đầu”.
Khoảng 17 giờ ngày 13-3-1954, Đại đội trưởng pháo 105 mm Trần Kính được lệnh phát hỏa. Quân Pháp không thể ngờ rằng pháo binh của Việt Nam có thể bắn chính xác đến như vậy. Quân ta bắn khoảng 2.000 quả đạn, quét sạch 2 khẩu pháo 105 mm và 1 khẩu 155 mm cùng nhiều mục tiêu khác. Địch bắn tới 10.000 quả đạn nhưng lại không gây được tổn thất nào đáng kể cho ta.
Sự chính xác và bất ngờ của pháo binh Việt Nam khiến Tư lệnh Pháo binh tập đoàn cứ điểm, trung tá Charles Piroth, hoảng loạn đến mức phải tự sát.
Sau này, trung tá André Trancart, Chỉ huy phân khu Bắc (bạn thân của Piroth), kể lại rằng khi đó Piroth đã khóc và nói: “Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với De Castries (đại tá Christian de Castries - Tư lệnh cứ điểm Điện Biên Phủ - PV) và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định. Bây giờ ta sẽ thua trận. Mình đi thôi...”.
Tầm nhìn xa của Đại tướng
Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn cao trào. Một loạt tên lửa Kachiusa do Liên Xô viện trợ được chuyển đến chiến trường. Đây là loại vũ khí mà lực lượng pháo binh của ta chưa từng được huấn luyện. Vì thế, cơ quan tham mưu chiến dịch ban đầu đề xuất Đại tướng để các chuyên gia Trung Quốc trực tiếp bắn sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Đại tướng đã chỉ thị cho Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351 Đào Văn Trường để pháo binh ta bắn làm quen. “Lúc đầu bắn chưa chuẩn thì về sau sẽ chuẩn” - Đại tướng căn dặn.
Quyết định tưởng như nhỏ ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có ý nghĩa rất lớn bởi sự tự chủ và độc lập của pháo binh đã quyết định chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ. “Đó là thắng lợi của ta, do ta làm chủ, còn cố vấn chỉ tư vấn, tham khảo thôi. Tầm nhìn của Đại tướng đã đi trước rất xa” - ông Trường khâm phục.
Theo ông Trường, lực lượng pháo binh bắn rất chuẩn là nhờ tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng “học trên thực địa”. Việc chuyển phương án tấn công sang đánh chắc, tiến chắc đã giúp các khẩu đội pháo binh có nhiều thời gian đo đạc các phần tử bắn cẩn thận cho từng khẩu pháo, để bảo đảm mỗi khi khai hỏa, dù các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể bắn trúng mục tiêu.
Tư lệnh Đại đoàn 351 Đào Văn Trường không thể quên được phương châm đánh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” mà Đại tướngVõ Nguyên Giáp từng căn dặn khi pháo binh của ta dàn trận. Lực lượng công binh khi đó đã khoét núi để làm công sự cho các khẩu pháo. Nhờ đó, pháo của ta hầu hết đều an toàn trong hầm công sự có nóc chịu được sức công phá của bom, chỉ có nòng chĩa ra ngoài, vào các mục tiêu của quân Pháp.
Thông thường, các khẩu pháo được bố trí theo từng cụm gồm vài khẩu đặt một chỗ thành một trận địa. Nhưng ở Điện Biên Phủ, quân ta đã đặt các khẩu pháo 105 mm rải khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể khi bị địch phản công.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-5
Kỳ tới: Chỉ thị tuyệt mật của Đại tướng
Kỳ tích kéo pháo
Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi nhận nhiều kỳ tích của QĐND Việt Nam - đội quân non trẻ khi đó mới ra đời được 10 năm. Đặc biệt, pháo binh đã gây chấn động khi kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua các địa hình đèo dốc hiểm trở. Việc kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại gian nan gấp ngàn lần bởi chỉ cần sơ hở để bị lộ, tổn thất sẽ rất lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu lúc kéo pháo ra phải tuyệt đối bí mật, an toàn. Ông giao Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn làm tư lệnh kéo pháo, để công binh của Đại đoàn 351 dành thời gian làm công sự. Chính từ quãng thời gian kéo pháo gian lao này mà nhạc sĩ Hoàng Vân, Trưởng Đoàn Văn công Đại đoàn 312, đã sáng tác ca khúc Hò kéo pháo bất hủ để động viên tinh thần bộ đội.
Bình luận (0)