Một dự báo vừa được đưa ra: có thể mùa hè này, miền Bắc sẽ lại cắt điện luân phiên.
Năm ngoái, dù chỉ thiếu 160 triệu KWh nhưng cả miền Bắc đã phải cắt điện luân phiên liên tục trong 2 tháng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Đối phó với tình trạng thiếu điện, từ quý IV/2005, EVN đã tích đủ nước theo quy trình tại tất cả các hồ thủy điện. Thế nhưng, do phải xả nước hồ Hòa Bình và Thác Bà cứu hạn vụ lúa đông xuân 2006 nên đã “mất đứt” hơn 1,2 tỉ m3 nước, tương đương với 300 triệu KWh điện, gấp đôi lượng điện thiếu hụt trong mùa hè. Hết ngày 16-2, hai hồ Hòa Bình và Thác Bà đóng các cửa xả để tích nước cho sản xuất điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng thiếu điện có trầm trọng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa khô đến sớm hay muộn, lượng nước về hồ tăng hay giảm, phụ tải có tăng đột biến hay không. Theo Tổng Giám đốc EVN Đào Văn Hưng, nếu không có biện pháp giải quyết đồng bộ thì cứ đến tháng 2 hằng năm chúng ta lại phải đối mặt với hạn hán vụ đông xuân. Tình trạng “ăn đong” này sẽ phải kéo dài cho đến năm 2010, thời điểm hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước.
Đối phó với thiếu điện, EVN đang cố gắng đưa tụ bù dọc 2.000 A cho đường dây 500 KV Pleiku – Đà Nẵng mạch 2 vào vận hành trước tháng 5 để tải điện từ miền Nam ra miền Bắc. EVN cũng đang đàm phán tăng sản lượng điện mua từ Trung Quốc, đàm phán với Tổng Công ty Dầu khí VN tăng lượng khí cung cấp cho nhà máy điện và triển khai các biện pháp tiết kiệm điện. Vào lúc cao điểm, EVN cũng hạn chế sửa chữa các tổ máy nhiệt điện để phát huy tối đa công suất.
Trước nhu cầu phụ tải tăng cao liên tục trong những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo EVN tính toán các phương án dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện ở mức 16%-17%/năm thay vì mức gần 15% trước đó. Mỗi năm nhu cầu điện tăng thêm 1.500-2.000 MW, tương đương với công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoặc 20 nhà máy điện Uông Bí hoặc 12 nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Qua tính toán cho thấy nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra triền miên từ nay đến năm 2010 do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy thủy điện. Trong đó, năm nay thiếu 1,1 tỉ KWh, năm 2007 thiếu 6,6 tỉ KWh, năm 2008 thiếu 8,6 tỉ KWh; năm 2009 thiếu 10,3 tỉ KWh; năm 2010 thiếu 7,2 tỉ KWh.
Khởi công 10 dự án nguồn điện lớn Theo Tổng Công ty Điện lực VN, trong năm 2006 sẽ có 10 dự án nguồn phát điện được khởi công. Trong đó có 5 dự án thủy điện là Huội Quảng (520 MW), Bản Chát (220 MW), Sông Tranh 2 (164 MW), Thác Mơ mở rộng (75 MW) và Khe Bố (90 MW). 5 nhà máy nhiệt điện gồm: Ô Môn 1 (300 MW), Quảng Ninh 1 (600 MW), Ô Môn 3 (660 MW), Uông Bí mở rộng 2 (300 MW), Ninh Bình mở rộng (300 MW). Bên cạnh đó, ngành điện cũng khởi công 4 công trình lưới điện 500 KV, 64 công trình lưới điện 220 KV và các công trình lưới điện 110 KV đồng bộ với lưới truyền tải và cung cấp điện cho phụ tải. |
138 triệu KWh/ngày Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, sản lượng điện trung bình trong tháng 1-2006 của cả nước đã ở mức 138 triệu KWh/ngày, ngày cao điểm lên 155-156 KWh/ngày. Hiện nay công suất nguồn của toàn hệ thống là 11.000 MW, công suất khả dụng (có khả năng khai thác) khoảng 10.500 MW. Trong khi đó, yêu cầu sử dụng của toàn hệ thống khoảng 10.000 MW. Trong mùa khô này, có một số nguồn điện lớn được bổ sung mới như: đuôi hơi Phú Mỹ 2.1 mở rộng được đưa vào sử dụng từ tháng 1-2006. Tổ máy số 1 thủy điện Sê San 3 sẽ phát điện vào tháng 3-2006; tổ máy số 2 của nhà máy này cũng sẽ hòa lưới quốc gia vào tháng 6-2006. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng cũng sẽ phát điện vào tháng 4-2006. |
Bình luận (0)