Không chỉ xuất hiện tại hồ Gươm mà nhiều năm nay rùa tai đỏ còn có mặt tại nhiều hồ khác ở Hà Nội: hồ trong chùa Một Cột, hồ trong khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám...
Theo PGS-TS Hà Đình Đức, rùa tai đỏ được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Ngoài việc tận diệt môi sinh, rùa tai đỏ còn có khả năng mang vi khuẩn salmonenlta gây bệnh cho động vật và con người như bệnh thương hàn rất nguy hiểm.
Rùa tai đỏ ngày càng nhiều, đe dọa sự sống cụ rùa hồ Gươm. Ảnh: THẾ KIÊT
Hai phương án diệt rùa tai đỏ
Theo phương án mà Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội, việc tiêu diệt rùa tai đỏ trong hồ Gươm sẽ sử dụng hai biện pháp.
Thứ nhất là sử dụng lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cụ rùa. Các lồng này sẽ được đặt quanh khu vực Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn.
Thứ hai là sử dụng bè nổi để rùa tai đỏ bò lên sưởi nắng thì đánh lưới. Trước ý kiến dùng thuốc để tiêu diệt rùa tai đỏ, lãnh đạo Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội khẳng định đây là phương pháp không khả thi vì có thể làm thay đổi môi trường sinh thái và có nguy cơ tiêu diệt ngay chính cụ rùa.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN, cho rằng những cách diệt rùa tai đỏ trên là hợp lý.
Tuy nhiên, các bẫy phải không gây nguy hiểm hoặc có khả năng gây thương tích cho cụ rùa. Bên cạnh đó, ông có thể tiến hành biện pháp kéo lưới để vét rùa tai đỏ sau khi đã định vị cụ rùa trong hồ.
Chế tài mạnh vi phạm
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý khu vực hồ Gươm, cho rằng do chưa có chế tài cụ thể nên chưa thể xử lý đối với những người buôn bán, phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ.
“Bên cạnh công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của rùa tai đỏ, cần sớm có quy định để xử phạt những người thả rùa tai đỏ xuống hồ”- ông Tuấn nói.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe đề nghị cần xử phạt mạnh tay đối với những người buôn bán, mua rùa tai đỏ để thả vào các hồ nước. Bên cạnh đó cũng phải kìm hãm tốc độ sinh sôi, xử lý kịp thời những ổ trứng rùa tai đỏ bám ven bờ hoặc khu vực chân Tháp Rùa.
Các nhà khoa học trong hội đang phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở VN, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về các tập tính và nỗ lực tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai.
Chỉ còn 4 cá thể rùa hồ Gươm trên thế giới
Rùa hồ Gươm thuộc loại rùa quý hiếm nhất trên thế giới và đang đứng trước nguy cơ diệt vong, hiện chỉ còn khoảng 4 cá thể trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo PGS Hà Đình Đức, lần bị thương của cụ rùa được phát hiện hôm 31-12-2010 nặng hơn rất nhiều vết thương cách đây vài năm. PGS Hà Đình Đức nhận định các nhà quản lý VN vẫn chưa chú ý ngăn chặn, tiêu diệt các loài sinh vật gây hại.
Tại một hội thảo gần đây, các nhà khoa học đã thống kê dãy Trường Sơn có tới vài chục loài sinh vật, thực vật ngoại lai xâm hại. Trước đó là việc nhập khẩu và nhân giống tôm hùm đỏ, cá hổ, cá hoàng đế, chuột hải ly và nhiều loại thực vật biến đổi gien... |
Bình luận (0)