Năm 2012, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hồng Ân (trụ sở đóng tại quận 1, TP HCM; có chi nhánh tại xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; viết tắt là Công ty Hồng Ân), mời bà Lê Thị Thanh Lan (ngụ quận 1, TP HCM) đầu tư vào dự án thanh long Hồng Ân do công ty bà Trinh thực hiện. Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận thông qua, giao 50 ha đất trồng thanh long ở xã Hải Ninh, từ đó hình thành trang trại thanh long Hồng Ân.
Chiêu bài thu hút đầu tư
Theo phương án kinh doanh bà Trinh trình bày, tới thời điểm đó, Công ty Hồng Ân đã đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Nhà đầu tư “rót” thêm khoảng 29 tỉ đồng thì dự án sẽ cho lợi nhuận ròng hơn 4 triệu USD/năm. Ngoài ra, Công ty Hồng Ân đưa ra thêm hợp đồng mua bán thanh long ký kết với một doanh nghiệp Nhật Bản, thu lợi nhuận 100 tỉ đồng/năm. Bà Trinh khẳng định toàn bộ tài sản đứng tên Công ty Hồng Ân chưa cầm cố hoặc bán cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Vì vậy, dự án hoàn toàn thuyết phục bà Lan và gia đình.
Tháng 11-2012, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hồng Ân (do bà Lan làm giám đốc, đến tháng 12-2012 đổi tên thành Công ty CP Xuất nhập khẩu Khiết Tường, viết tắt là Công ty Khiết Tường) và Công ty Hồng Ân ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng mượn tiền - cầm cố tài sản. Từ đó, 2 công ty hợp tác, chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn. Công ty Hồng Ân (bên A) cầm cố tài sản, gồm trang trại thanh long Hồng Ân và nhà máy gia nhiệt (chế biến thành phẩm thanh long)đóng tại xã Hải Ninh cho nhà đầu tư. Đến tháng 1-2013, vì tỉ lệ góp vốn, chia lợi nhuận thay đổi nên 2 bên ký lại 2 thỏa thuận mới. Tuy nhiên, ngay sau đó, 2 bên thống nhất hủy 2 thỏa thuận trên và thay thế bằng một hợp đồng hợp tác kinh doanh khác. Hợp đồng nêu rõ bên A đem toàn bộ tài sản tạo lập trước ngày 15-11-2012 (trừ quyền sử dụng đất) góp vốn với bên B (Công ty Khiết Tường) trong 10 năm. Cụ thể, bên B góp 37 tỉ đồng; bên A cầm cố 50.000 trụ thanh long tại trang trại cùng toàn bộ trang thiết bị, nhà máy phục vụ dự án. Quá trình hợp tác, bên A cam đoan không mang tài sản cầm cố góp vốn, thế chấp… nếu bên B không đồng ý; còn bên B giao lại khối tài sản trên cho bên A khai thác, sản xuất theo dự án. Bên cạnh đó, phụ lục hợp đồng thể hiện trong năm thứ hai kể từ ngày hợp tác, nếu bên B rút bớt vốn mà bên A không có khả năng hoàn trả thì bên A sẽ ủy quyền cho bên B bán hay thế chấp tài sản cầm cố.
Tuy nhiên, bà Lan cho hay sau khi nhận tiền đầu tư, bên A không triển khai công việc theo nhiều điều khoản thỏa thuận như: không bàn giao giấy tờ tài sản cầm cố, không báo cáo, không chi trả chi phí liên quan đến hoạt động của dự án…
Đối tác thành đối đầu
Được hội đồng thành viên thông qua, ngày 8-1-2012, với tư cách Tổng Giám đốc Công ty Hồng Ân, bà Trinh ủy quyền cho bà Lan làm đại diện quản lý, cầm cố, bán, khai thác hoa lợi từ trang trại thanh long Hồng Ân và nhà máy gia nhiệt. Việc này xảy ra khi công ty của bà Trinh kinh doanh không hiệu quả.
Từ năm 2013, mâu thuẫn giữa 2 bên phát sinh. Mỗi khi bên B đề nghị thực hiện đúng hợp đồng, bên A cam đoan sẽ hoàn vốn rồi khất lần, kế tiếp là “im hơi lặng tiếng”. Trong thời gian này, ông Đặng Quốc Hùng (cổ đông của bên B) muốn rút vốn khỏi dự án. Bên A xin ân hạn đến tháng 12-2014 sẽ trả ông Hùng 20 tỉ đồng; hứa chuyển giao toàn bộ dự án cho bên B nếu trái cam kết. Dù vậy, ông Hùng khẳng định đến nay, ông và các cổ đông khác vẫn chưa thu hồi lại số tiền “đổ” vào dự án.
Năm 2016, Công ty Khiết Tường làm đơn khởi kiện Công ty Hồng Ân ra TAND quận 1, TP HCM về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh”; đồng thời tố cáo bà Trinh có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có mặt tại buổi hòa giải ngày 22-2, bà Trinh cho rằng Công ty Khiết Tường dùng vũ lực đe dọa, chiếm giữ chi nhánh Công ty Hồng Ân, gây nhiều thiệt hại. Ngày 15-1-2013, 2 bên đã ký thỏa thuận hoàn lại tiền - mua lại cổ phần đối với số tiền Công ty Hồng Ân nhận của Công ty Khiết Tường.
Phủ nhận cáo buộc trên, bà Lan khẳng định Công ty Khiết Tường tiếp nhận nhà máy từ người đại diện hợp pháp của Công ty Hồng Ân. Việc chuyển giao thực hiện minh bạch, rõ ràng bằng biên bản bàn giao, kiểm kê tài sản.
Bảo toàn tài sản
Ngày 16-3-2016, TAND quận 1, TP HCM chuyển vụ việc “Tranh chấp hợp tác kinh doanh” giữa Công ty Khiết Tường và Công ty Hồng Ân đến TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận giải quyết theo thẩm quyền. Trước đó, TAND quận 1 có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với trang trại thanh long Hồng Ân; giao Công ty Khiết Tường tạm thời quản lý, sử dụng trang trại theo quy định pháp luật.
Kỳ tới: Một tài sản “gả” nhiều nơi
Bình luận (0)