Ông Đinh Quang Đạo, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết huyện có trên 70 ha đất bị mai dương xâm chiếm. “Cây mai dương rất khó diệt. Khi mưa lũ, hạt mai dương phát tán khắp nơi hoặc theo gió lan rất nhanh. Đặc biệt, hạt mai dương có thể nẩy mầm, mọc cây con trở lại sau 20 năm” - ông Đạo nói.
Khẩn cấp diệt trừ
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), trên địa bàn có gần 200 ha mai dương mọc rải rác dọc bờ sông Đa Nhim. Cây mai dương phát triển nhanh làm cho đất sản xuất ngày càng nghèo dinh dưỡng. Đơn Dương có sông Đa Nhim là điều kiện thuận lợi để mai dương phát tán.
Những năm qua, UBND huyện Đơn Dương đã chỉ đạo các xã và ngành chức năng triệt cây mai dương bằng nhiều hình thức thủ công như chặt phá, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt trừ... nhưng hiệu quả thấp. Mai dương ngày càng phát triển tràn lan, lấn chiếm cả đất nông nghiệp gây thoái hóa, bạc màu.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, cho biết: “Nhiều năm qua, UBND huyện Đơn Dương đã đề ra nghị quyết triệt cây mai dương. Ngoài ra, thực hiện nghị quyết của HĐND huyện cũng như chỉ đạo của sở NN-PTNT, hằng năm, phòng NN-PTNT phối hợp các xã triển khai phun thuốc diệt mai dương ở dọc sông Đa Nhim. Thế nhưng, do chưa phối hợp đồng bộ giữa huyện và nhà máy thủy điện Đa Nhim nên hiệu quả còn nhiều hạn chế”.
Trong khi đó, theo ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), dù địa phương đã tung lực lượng thường xuyên chặt cây, đốt, cắt trái nhưng mai dương vẫn tiếp tục phát triển nhanh, phá vỡ đa dạng sinh học làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, sinh kế của người dân.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết cây mai dương phân bố rộng khắp trên địa bàn nhưng nhiều nhất là ở các huyện đồng bằng như Núi Thành, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, TP Hội An. Theo thống kê, khoảng 150 ha đất đã bị mai dương xâm lấn, chủ yếu ở các bờ kè, bờ kênh, khu vực hồ, bàu, ven sông suối.
“Mai dương còn gây cản trở dòng chảy trên các sông, suối và kênh mương. Để giảm thiểu tác hại, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam đã ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng trừ và giao cho ngành tài nguyên và môi trường tiêu diệt mai dương nhưng không thể nào diệt tận gốc, sau mỗi mùa mưa lũ là chúng phát triển rất nhanh” - ông Muộn thông tin.
Cần giải pháp căn cơ
Theo ông Phạm Hữu Kinh, Phó Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cây mai dương là một trong những vấn đề khiến ngành nông nghiệp địa phương phải đau đầu. Mỗi năm, đơn vị này đều bỏ ra khá nhiều kinh phí và công sức để tổ chức các đợt tiêu diệt mai dương nhưng không thể trừ tận gốc. Ông Trần Văn Noa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, cho biết dù các cơ quan, ban - ngành triển khai nhiều giải pháp nhưng không thể nào diệt hết mai dương.
Hằng năm, tỉnh Lâm Đồng chi hàng trăm triệu đồng từ ngân sách để triệt phá mai dương nhưng hiệu quả không đáng kể, chỉ tạm thời hạn chế sự phát tán. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất là tiêu diệt chúng ngay từ nhỏ bằng cách nhổ cây con. Các địa phương cần tổ chức đội ngũ chuyên môn để phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại nguy hiểm của loại cây này.
Năm nào tỉnh Lâm Đồng cũng có 2 đợt ra quân diệt trừ mai dương ở toàn 12 huyện, TP. Theo ông Sơn, tại một hội nghị cuối năm 2016, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng cần xác định rõ công tác diệt trừ cây mai dương là việc nhà nước và nhân dân cùng làm để đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cùng nhà nước thực hiện mới có thể mang lại hiệu quả cao.
Hiện tỉnh Lâm Đồng chủ yếu áp dụng 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học. Về hóa học, có 5 loại thích hợp để diệt cây mai dương theo từng chu kỳ sinh trưởng, gồm: glyphosate, metsulfuronmethyl, truyclopyr, paraquat và 2,4D. Biện pháp sinh học đã tiến hành ở Úc, Thái Lan... là thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây. Tuy nhiên, ở nước ta chưa áp dụng việc thả mọt vì kinh phí rất cao; 2 hoạt chất paraquat và 2,4D thì rất độc, có thể gây ung thư cho con người nên đã cấm sử dụng.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, với đặc tính hạt rơi xuống theo nước trôi tới đâu sẽ mọc cây tới đó nên cần tiêu diệt mai dương trước mùa mưa để hạn chế phát tán. Cần thiết, có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép. Nếu không có giải pháp căn cơ, tiêu diệt kịp thời thì kinh phí để diệt trừ loại cây này về sau là rất lớn.
Ông Đinh Văn Kha (50 tuổi; đang canh tác vườn dưới chân núi Voi, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho rằng việc các ngành chức năng triển khai kế hoạch diệt trừ cây mai dương bước đầu chỉ hạn chế phát tán, nếu cứ bơm thuốc ở hạ lưu mà không triệt phá từ thượng nguồn thì không bao giờ diệt được.
Kinh phí diệt trừ không lớn
Trước nạn cây mai dương, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã giao đề án diệt trừ cây mai dương cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi triển khai mô hình phòng trừ. Ông Phạm Bá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, cho biết: “Cuối năm 2016, chúng tôi đã triển khai mô hình trình diễn phòng trừ mai dương bằng việc kết hợp giữa biện pháp thủ công và hóa học tại 6 huyện, TP của tỉnh với tổng diện tích triển khai khoảng 6 ha. Chủ yếu là chặt, thu gom cây có chiều cao trên 1 m đưa đi đốt. Sau đó, khi mai dương mọc lại khoảng 20-50 cm thì phun hỗn hợp thuốc trừ cỏ. Kết quả nhiều nơi 95%-100% cây mai dương bị diệt trừ”. Dù đạt hiệu quả cao nhưng do mới triển khai nên chưa thể nhân rộng.
“Kinh phí diệt trừ cây mai dương cũng không lớn lắm. Vì vậy, thông qua mô hình này, chúng tôi đang nhân rộng ở các địa phương để người dân biết cách diệt trừ nhằm khôi phục lại đất sản xuất” - ông Bá nói.
Bình luận (0)