Sáng 2-6, UBND tỉnh Phú Yên họp báo thông tin vụ tôm hùm chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).
Rõ ràng quản lý kém
Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên cho biết tình trạng tôm chết phát hiện từ chiều 24-5. Đến nay, gần 770.000 con tôm hùm (tổng trọng lượng gần 400 tấn) của 502 hộ dân thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) chết, ước thiệt hại gần 700 tỉ đồng. Đây là vụ tôm hùm chết lớn nhất từ trước đến nay.
Qua kiểm tra bước đầu, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên chỉ mới xác định vùng nuôi tôm có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, trung bình chưa tới 2 mg/l trong khi tiêu chuẩn phải trên 6,2 mg/l. Nước ở thời điểm tôm chết có mùi hôi tanh, màu không bình thường, nhiệt độ và hàm lượng hữu cơ cũng như sulfua trầm tích cao, tảo xuất hiện dày.
Tôm hùm chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài vừa được vớt lên
Việc vì sao không giúp dân di dời lồng bè ra khỏi vùng tôm chết, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho rằng không thể di chuyển kịp vì tôm chết rất nhanh. Mặt khác, không có quy hoạch vùng nước để di chuyển lồng bè trong khi đây là vùng nuôi với mật độ rất dày.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho hay rất khó trong quản lý vùng nuôi. Hiện thị xã chưa quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chỉ mới đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ quy hoạch.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói vì tôm chết trên diện rộng, phải lấy mẫu để kiểm nghiệm nhiều nơi trong khi khả năng của tỉnh có giới hạn nên đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ làm rõ nguyên nhân. Trong ngày 2-6, đoàn của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tại vịnh Xuân Đài nhưng hiện chưa có kết luận nên chưa thể trả lời nguyên nhân tôm chết.
Ông Thế cũng thừa nhận có khó khăn trong quản lý mật độ nuôi tôm hùm quá dày ở đây vì nhiều người nuôi theo kiểu tự phát. "Nhưng việc yếu kém trong quản lý cũng là rõ ràng" - ông Thế khẳng định.
Không thể kiểm tra đột xuất
UBND thị xã Sông Cầu xác nhận từ chiều 27-5, rất đông người dân tụ tập tại nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng để phản đối vì cho rằng nhà máy xả thải ra vịnh Xuân Đài gây ô nhiễm.
"Tỉnh và thị xã đã vận động người dân bình tĩnh, kiềm chế, chờ kết quả kiểm nghiệm, tránh quá khích do bức xúc. Đến nay, tình hình đã vãn hồi" - ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho hay.
Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, cũng cho biết sở này đã lập đoàn kiểm tra việc xử lý nước thải của Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Theo đó, trong 2 ống xả thải của nhà máy mà người dân phát hiện ở vịnh Xuân Đài có 1 ống đã được cấp phép, 1 ống là dự phòng để xả nước mưa. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống nứt bể xử lý nước thải nên công ty này đã thay đổi phương án xử lý bằng cách chuyển nước thải sang nơi khác xử lý.
"Việc doanh nghiệp thay đổi phương án xử lý nước thải theo quy định phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là UBND thị xã Sông Cầu. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp thay đổi phương án xử lý nhưng chưa thông báo với các cơ quan chức năng" - bà Xuân cho biết.
Việc thay đổi phương án xử lý nước thải của công ty này được xác định từ cuối tháng 3 nhưng đến cuối tháng 5, khi người dân tập trung phản đối mới được phát hiện. Về việc này, bà Xuân cho rằng theo quy định thì định kỳ 3 tháng 1 lần, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan thẩm quyền về hoạt động của mình. Việc kiểm tra công tác môi trường cũng theo định kỳ và phải báo trước cho doanh nghiệp chứ không thể kiểm tra đột xuất.
"Ngoài việc cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm thì người dân cũng tự lấy mẫu gửi kiểm nghiệm độc lập, cố gắng chờ kết quả kiểm nghiệm thế nào" - ông Trần Hữu Thế nói và cho biết sau việc tôm chết ở vịnh Xuân Đài, nhiều hộ dân đối mặt với nợ nần và khả năng tái nghèo. Vì vậy, ngoài các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tôm tiếp tục chết, UBND tỉnh Phú Yên đã đề nghị các ngân hàng rà soát khoản vay của người dân để tiếp tục cho vay tái sản xuất. UBND tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời cho những người bị thiệt hại để giảm bớt khó khăn. Tỉnh này cũng đang quy hoạch khoảng 6 ha để thực nghiệm nuôi tôm hùm trong bể trên bờ.
Kiên Giang: Hải sản chết bất thường chưa rõ nguyên nhân
Ngày 2-6, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Theo thống kê, huyện Kiên Lương thiệt hại hơn 3.000 tấn nghêu, sò huyết, sò lông với tổng giá trị gần 56 tỉ đồng; hơn 23.086 con cá bớp, cá mú, cá chẽm với trị giá gần 13 tỉ đồng. Tại thị xã Hà Tiên, 17 hộ nuôi nghêu bị mất trắng 139 tấn, chưa ước lượng được giá trị thiệt hại.
Theo nhận định chung của các ngành chức năng, hàm lượng kim loại nặng, tảo độc và vi sinh vật gây hại ở khu vực lấy mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng hàm lượng amoniac (NH3) có cao ở một số thủy vực nhưng do xác thủy sản phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có hiện tượng nở hoa của tảo nên có thể gây thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm, ảnh hưởng quá trình hô hấp của các loại hải sản... Kết quả phân tích của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng về công nghệ và quản lý môi trường và Cục Viễn thám quốc gia cho thấy có sự xuất hiện n-hexadecanoid acid và octadecaniod acid là 2 loại hóa chất dùng trong sản xuất xà bông, chất tẩy rửa, mỹ phẩm nhưng chưa tìm thấy mối tương quan giữa các cơ sở sản xuất trong khu vực với sự hiện diện của các chất này trong môi trường nước.
Th.Nốt
Bình luận (0)