TAND tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (gọi tắt là Công ty Vàng Phước Sơn; huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Nguyên nhân là do doanh nghiệp này chưa thương lượng được kế hoạch trả nợ 19 tỉ đồng cho Công ty CP Tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam (Công ty Abel).
Nợ như chúa Chổm
Trước thông tin này, nhiều chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hết sức lo lắng.
Bà Lê Thị Đô, chủ khách sạn Trung Đô (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn), cho hay Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ bà hơn 197 triệu đồng tiền lưu trú từ năm 2013 đến nay. Mới đây, gia đình bà Đô nhận được thông báo của TAND tỉnh Quảng Nam yêu cầu gửi giấy đòi nợ đối với Công ty Vàng Phước Sơn. Tuy nhiên, bà Đô lo lắng không biết có nên gửi giấy đòi nợ hay không vì không chắc chắn thu được, gửi hồ sơ nhiều khi phải mất thêm án phí.
“Họ tuyên bố phá sản rồi lấy tiền đâu mà trả cho mình nữa, kiện thêm mệt. Từ khi Công ty Vàng Phước Sơn nợ tiền lưu trú, gia đình chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đi vay nợ nhiều nơi để trang trải cuộc sống, phục vụ kinh doanh” - bà Đô cho biết.
Ông Lý Minh Tám, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lý Châu Giang (thị trấn Khâm Đức), cũng ăn ngủ không yên trước thông tin Công ty Vàng Phước Sơn bị mở thủ tục phá sản. Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ công ty ông hơn 1,5 tỉ đồng. Năm 2016, nghe tin Công ty Vàng Phước Sơn được tái cơ cấu, hoạt động trở lại, ông rất vui, hy vọng sẽ được trả nợ nhưng giờ không biết số tiền nợ sẽ được giải quyết ra sao.
Ở huyện Phước Sơn, chủ nợ lớn nhất của Công ty Vàng Phước Sơn là gia đình ông Đỗ Ngọc Thắng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức. Theo thông tin từ gia đình ông Thắng cung cấp, Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ Công ty Quảng An do vợ ông Thắng làm giám đốc khoảng 17,5 tỉ đồng. Cũng vì dính vào nợ nần trong quá trình làm ăn với Công ty Vàng Phước Sơn nên vào năm 2014, ông Thắng đã xin thôi chức Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức để đi đòi nợ. Nhiều năm trở lại đây, gia đình ông Thắng lâm cảnh điêu đứng vì chưa đòi được nợ của Công ty Vàng Phước Sơn trong khi chính gia đình ông lại là “con nợ” của nhiều người khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, khẳng định Công ty Vàng Phước Sơn đang nợ các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện khoảng 22 tỉ đồng.
Trong buổi làm việc mới đây, công ty này khẳng định quyết tâm tái cơ cấu, tiếp tục hoạt động. Đến thời điểm này, Công ty Vàng Phước Sơn đã trả hết hoặc đã trả một phần nợ cho các chủ nợ nhỏ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, nhận định tình hình an ninh trật tự có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới, công an huyện đã cắt cử lực lượng túc trực, đề phòng có chuyện xảy ra.
Triệu tập hội nghị chủ nợ
Theo ông Lương Đình Đường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, khi hoạt động trở lại từ tháng 8-2016 đến nay, Công ty Vàng Phước Sơn trả nợ thuế đúng như cam kết. Trong 8 tháng, công ty này trả nợ được 244 tỉ đồng, hơn 90 tỉ đồng còn lại dự kiến sẽ được trả trong 3 tháng tới. Mới đây, TAND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh gửi thông tin số tiền nợ thuế của Công ty Vàng Phước Sơn cho tòa.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết mới nghe thông tin về việc Công ty Vàng Phước Sơn bị mở thủ tục phá sản nhưng chưa nắm cụ thể. “Đến nay, công ty chưa đề nghị gì đối với UBND tỉnh Quảng Nam. Tỉnh sẽ nắm lại tình hình để có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Thu nhấn mạnh.
Bà Cao Thị Huyền, Chánh án Tòa Kinh tế TAND tỉnh Quảng Nam, khẳng định TAND tỉnh ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Vàng Phước Sơn sau khi nhận đơn của Công ty Abel và đã tổ chức một cuộc hòa giải giữa hai bên nhưng bất thành. Hiện tại, TAND tỉnh đã gửi thông báo đến hơn 140 chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn, yêu cầu họ gửi giấy đòi nợ.
Chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn có cả trong và ngoài nước. Họ chỉ cần gửi giấy đòi nợ, không phải nộp án phí như nhiều người lo ngại và nếu chủ nợ không gửi giấy đòi nợ sẽ mất quyền lợi. Sau khi hết hạn nhận giấy đòi nợ, tòa sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ bao gồm tất cả chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn.
“Tòa sẽ căn cứ vào tỉ lệ số nợ để quyết định. Trong trường hợp các chủ nợ không muốn Vàng Phước Sơn bị phá sản có số nợ nhiều hơn Abel và một số doanh nghiệp khác gộp lại thì công ty này sẽ không bị phá sản. Tất nhiên, Công ty Vàng Phước Sơn phải đưa ra phương án phục hồi doanh nghiệp, lộ trình trả nợ” - bà Huyền phân tích.
Như vậy, Công ty Vàng Phước Sơn sẽ khó có khả năng bị phá sản. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, những chủ nợ lớn nhất, chiếm 80%-85% tổng số nợ, đều là cổ đông chiến lược của Công ty Vàng Phước Sơn. Tại hội nghị chủ nợ, các cổ đông chắc chắn sẽ không bao giờ để công ty phá sản bởi họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để tái cấu trúc.
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí mới đây, Công ty Vàng Phước Sơn cũng khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp này vẫn kiên quyết tiếp tục thực hiện thành công đề án tái cấu trúc.
Quá trình hoạt động của Công ty Vàng Phước Sơn
- Tháng 7-2014, sau khi cùng Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (cùng thuộc Tập đoàn Besra - Canada) khai thác gần 7 tấn vàng, Công ty Vàng Phước Sơn vỡ nợ, ngừng hoạt động.
- Tháng 7-2015, Công ty Vàng Phước Sơn được tái cấu trúc với sự tham gia của Công ty CP Vàng VACO và Ngân hàng TMCP Việt Á.
- Tháng 8-2016, Công ty Vàng Phước Sơn chính thức hoạt động lại, trả được 244/335 tỉ đồng nợ thuế.
- Ngày 24-3-2017, Công ty Vàng Phước Sơn bị TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản.
Bình luận (0)