Vỏ quế được người dân Trà Bồng thu hoạch
Cây thiêng của người Cor
Tháng 5, chúng tôi đến Trà Bồng khi quế vừa xong mùa thu hoạch. Từ thị trấn Trà Xuân ở trung tâm huyện Trà Bồng đi theo đường liên tỉnh Trà Bồng - Trà My khoảng vài cây số, chúng tôi đã cảm nhận mùi hương nồng nàn từ những vựa buôn quế bên đường tỏa ra. So với nhiều loại trồng ở các nơi khác, quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao, hương vị hết sức đặc biệt không đâu có được. Rất nhiều sản phẩm từ quế Trà Bồng cũng được thị trường ưa chuộng.
Bà con người Cor không rõ cây quế xuất hiện ở Trà Bồng từ khi nào. Trong những câu chuyện truyền thuyết của người Cor, quế đã có từ hàng ngàn năm trước. Cụ Hồ Chí Khánh - ngụ xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng - cho biết: “Theo truyền thuyết, quế là cây thiêng do chim trời gieo xuống. Người Cor mình thấy mùi thơm từ thân quế tỏa ra dễ chịu nên lấy hạt gieo ra khắp núi rừng, làng bản nên chúng mới nhiều như hôm nay. Sau này, vì quế rất nhiều nên người ta mới gọi Trà Bồng là vùng đất quế. Nếu người Kinh xem ruộng mẫu, trâu đôi là khá giả thì người Cor mình lấy những đồi quế làm thước đo giàu nghèo”.
Một số sách xưa ghi lại từ thế kỷ VI, cây quế Trà Bồng đã được các thương nhân Ả Rập, Bồ Đào Nha và Trung Hoa biết đến. Họ đã tới tận Trà Bồng mua quế và mang sang tận Tây Á, Đông Âu. Ngày nay, quế Trà Bồng đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Việc trồng quế hết sức vất vả, phải trải qua nhiều khâu chọn lọc kỹ càng. Hạt quế được chọn làm giống từ những cây phát triển tốt. Cuối năm, người Cor tiến hành hái hạt giống, phơi khô và cho vào các ống tre, nứa treo trên giàn bếp, đến đầu năm sau thì đem ươm xuống đất tơi xốp. Trước khi ươm, hạt quế phải được ủ trong các lớp lá dày để tạo độ ẩm làm tiêu lớp vỏ ngoài, sau đó ngâm nước và loại bỏ những hạt nổi lên.
Chăm sóc cây quế là công đoạn hết sức quan trọng để tránh sâu bệnh. Sau khoảng 5-10 năm, cây quế bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm có 2 đợt thu hoạch quế, đợt 1 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 và đợt 2 trong tháng 7-8. Trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ lột và có nhiều tinh dầu hơn cả.
Người trồng quế thường dùng dao để rạch vỏ và có một cái móc để tách ra khỏi thân cây. Sau khi khai thác, vỏ quế được phơi khô, úp ruột xuống dưới để tránh nắng gắt và bảo vệ tinh dầu. Vỏ quế phơi khô được bó lại, 2 đầu phủ cỏ tranh hoặc lá để bảo quản.
Cụ Khánh cho biết trước kia, cây quế Trà Bồng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do việc canh tác chỉ mang tính tự phát. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển cây quế để xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình ở Trà Bồng đã đầu tư, chăm sóc vườn quế theo hướng thâm canh và đạt năng suất cao. Nhờ vậy, hàng ngàn gia đình ở Trà Bồng nhờ cây quế đã có cuộc sống no đủ, khấm khá hơn.
Thương hiệu độc quyền
Dù sớm được thương nhân nhiều nước biết tới nhưng để đưa được thương hiệu quế Trà Bồng phát triển và trở thành sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới là cả một quá trình dài. Sớm thấy được điều này, cơ quan chức năng và người dân Trà Bồng đã có những bước đi đưa thương hiệu quế của mình phát triển.
Ông Hồ Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết từ lâu, chính quyền địa phương đã nhận ra cần phải có một thương hiệu chính danh cho quế Trà Bồng để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh, phát triển sản phẩm này. Từ năm 2007, lãnh đạo huyện Trà Bồng đã liên hệ với Tây Trà, một huyện cũng trồng quế ở kế bên, đề nghị cùng tham gia việc phát triển thương hiệu quế Trà Bồng. Sau khi 2 bên thống nhất xong, Phòng Công Thương huyện Trà Bồng đã họp mặt các doanh nghiệp và người trồng quế tiêu biểu trên địa bàn để bàn việc đăng ký nhãn hiệu cho quế.
Ông Thế nhớ lại: “Khi có quyết định này, lập tức 196 thành viên của 2 huyện là những hộ sản xuất, kinh doanh quế đã tự nguyện đăng ký nhãn hiệu. Việc làm này cũng được các ban, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ. Đến tháng 9-2010, sau những nỗ lực của địa phương, sản phẩm quế Trà Bồng chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu độc quyền. Đây là nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, gồm: quế - sản phẩm sơ chế dùng làm đồ gia vị; mua bán, sơ chế và trồng quế”.
Theo ông Nguyễn Đức Lương, Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng, từ năm 1990, công ty đã nhận thấy việc tiêu thụ vỏ quế sau thu hoạch giá cả bấp bênh, gặp nhiều khó khăn nên đã tìm cách chế tác những sản phẩm mỹ nghệ từ thân cây để nâng cao giá trị kinh tế. “Sau khi quế Trà Bồng được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, vỏ và những sản phẩm làm từ quế mới có chỗ đứng trên thị trường” - ông Lương khẳng định.
Hiện nay, công ty của ông Lương là một trong những điểm thu mua quế lớn nhất huyện Trà Bồng. Ngoài việc thu mua và buôn bán vỏ quế, công ty còn chế biến rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ làm từ cây này như: nhang, miếng lót giày, độc bình… “Công ty của chúng tôi tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với mức lương từ 3 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng/người. Những sản phẩm làm từ quế hiện được tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa và các nước Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc… Trung bình mỗi năm, chúng tôi xuất khẩu hơn 50.000 sản phẩm từ quế, doanh thu trên 7 tỉ đồng” - ông Lương hồ hởi.
Ông Hồ Văn Thế cho biết nhiều năm qua, để phát triển kinh tế địa phương, mang lại thu nhập cho người dân, UBND huyện Trà Bồng đã liên tục mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của cây quế để tham gia chế tác sản phẩm mỹ nghệ. Cách làm này vừa nâng cao giá trị xuất khẩu vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con.
Phương thuốc thần kỳ
Theo truyền thuyết của người Cor ở Trà Bồng, vào đời vua Chế Mân, công chúa Huyền Trân, vợ ông, bị bệnh nan y lâu ngày không chữa khỏi. Một hôm, vua Chế Mân đẽo một đôi guốc quế tặng vợ. Nhờ vậy, bệnh tình của Huyền Trân dần khỏi hẳn. Từ sự tích này, người dân địa phương tin rằng ai đi guốc bằng gỗ quế Trà Bồng sẽ trị được nhiều chứng bệnh, hiệu quả nhất là phong thấp. Sau này, guốc và những sản phẩm từ quế rất thịnh hành không chỉ ở Trà Bồng mà còn nhiều địa phương khác.
Y học hiện đại cũng đã chứng minh sâm, nhung, quế, phụ là 4 vị thuốc cấp cứu cho người. Trong đó, quế là một loại dược phẩm đặc biệt quan trọng, được dùng nhiều trong đông y và tây y. Quế có nhiều công dụng: Kích thích tăng tuần hoàn máu, gây co mạch, tăng bài tiết… Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào Cor, khi mắc những chứng thông thường như cảm cúm, nhức đầu, trúng gió…, chỉ cần mài vỏ quế uống vào, bệnh sẽ thuyên giảm.
Một nghiên cứu được đưa ra cách đây 2 năm về quế Trà Bồng còn cho thấy khi bỏ ít vỏ hoặc 1 muỗng bột quế vào 2 lít nước nhiễm khuẩn bởi 2 triệu E.coli, ngay lập tức, khoảng 90% vi khuẩn này bị tiêu diệt. Do đó, quế được dùng điều trị nhiễm khuẩn, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, giúp tiêu hóa, giảm viêm khớp.
Giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trà Bồng và Tây Trà có hơn 7.000 ha quế. Trong số này, khoảng 30% diện tích quế đã trồng 10 năm, nay đã đến thời điểm khai thác. Trung bình mỗi năm, khoảng 1.000 tấn quế được bán ra thị trường. Hiện tại, một số loại quế như Tam Sơn bán ở Trà Bồng có giá dao động 120.000-150.000 đồng/kg, xô dầu 60.000-70.000 đồng/kg, quế ống 40.000 đồng/kg… Ngoài hiệu quả kinh tế, cây quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gien quý của cây địa phương. Trong đó, hiệu quả xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào địa phương là rõ rệt nhất. Các sản phẩm được chế tác từ cây quế Trà Bồng |
Bình luận (0)