Phóng viên: Thưa ông, mục đích của cuộc điều tra dân số lần này là gì?
- Ông Nguyễn Bích Lâm: Cuộc điều tra dân số lần này có 3 mục đích cơ bản. Thứ nhất, thu thập số liệu về dân số - nhà ở trên phạm vi cả nước làm cơ sở đánh giá các chương trình quốc gia về dân số - nhà ở, qua đó đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2015; xây dựng chính sách, kế hoạch dân số - nhà ở phục vụ lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2016 - 2020; giám sát thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc mà Chính phủ đã cam kết.
Thứ hai, cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau tổng điều tra dân số - nhà ở năm 2009; bổ sung kho dữ liệu dân số - nhà ở của Tổng cục Thống kê nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số - nhà ở giữa 2 kỳ tổng điều tra (2009-2019) trên phạm vi cả nước và từng địa phương; phục vụ yêu cầu so sánh quốc tế.
Thứ ba, cung cấp mẫu cho các cuộc điều tra thống kê đối với hộ dân cư.
Những nội dung chính của cuộc điều tra là gì và diễn ra ở quy mô nào, thưa ông?
- Các nội dung chính gồm có thông tin chung về thành viên gia đình, trình độ học vấn, lịch sử sinh của phụ nữ độ tuổi 15-49, thông tin về nhà ở…
Về quy mô, số hộ được điều tra khoảng 1,12 triệu. Lực lượng điều tra viên, giám sát viên các cấp và tổ trưởng cả nước khoảng gần 13.000 người.
Cuộc điều tra dân số - nhà ở lần này có gì khác so với các cuộc điều tra trước?
- Có khác biệt vì đây không phải là cuộc tổng điều tra. Một khi đã tổng điều tra thì sẽ làm toàn diện (100% hộ dân), còn đây là cuộc điều tra mẫu với 5% số hộ. Số địa bàn lập bảng kê chỉ 20%, trong khi tổng điều tra phải 100% địa bàn.
Tổng cục Thống kê lường trước sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì trong cuộc điều tra lần này?
- Cuộc điều tra này có 5 điểm đáng chú ý trong tổ chức thực hiện. Cụ thể là quy mô điều tra lớn với nội dung phức tạp. Để thực hiện cuộc điều tra, cần phải huy động lực lượng tham gia đông đảo. Điều này sẽ tăng tính phức tạp của công tác tổ chức, từ tuyển chọn và tập huấn người vẽ sơ đồ, lập bảng kê, điều tra viên, tổ trưởng, cho đến bảo đảm kinh phí và hậu cần, điều tra thực địa và hoạt động kiểm tra, giám sát... Chúng tôi sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh (công nghệ quét) để xử lý thông tin nên không chỉ quy trình xử lý phức tạp hơn mà ngay việc in phiếu điều tra, ghi, bảo quản phiếu trong quá trình vận chuyển đều có những yêu cầu kỹ thuật riêng biệt hơn so với xử lý bằng phương pháp truyền thống (nhập tin bằng bàn phím).
Thời gian tiến hành toàn bộ cuộc điều tra cũng được rút gọn so với những cuộc điều tra tương tự trước đây nhằm sớm có được thông tin kịp thời phục vụ các cấp, các ngành. Yêu cầu này đòi hỏi mọi lực lượng tham gia cuộc điều tra từ thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin đến công bố kết quả đều phải nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Cuộc điều tra này lại diễn ra trong bối cảnh toàn ngành thống kê phải triển khai nhiều cuộc điều tra quy mô lớn, nội dung phức tạp trong kế hoạch năm 2014, như: điều tra doanh nghiệp, điều tra chăn nuôi, khảo sát mức sống hộ dân cư và điều tra quyền số giá tiêu dùng…; đồng thời phải tập trung nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng có tính cấp bách vừa trước mắt vừa lâu dài của toàn ngành.
Bình luận (0)