Tổ công tác có nhiệm vụ làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với 189 tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong hồ sơ Panama. Cụ thể là sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam. Sau đó, làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm bản chất của phương thức giao dịch. Từ đó đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam để đánh giá có vi phạm hay không.
Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, ngày 9-5, Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan tới vụ Hồ sơ Panama.
Đáng chú ý, trong số các tài liệu đã được công khai trên trang offshoreleaks.icij.org Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian.
Như Báo Người Lao Động đã đưa, vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đã phơi bày mánh khóe của giới nhà giàu trong việc sử dụng các công ty nước ngoài để trốn thuế và tránh sự trừng phạt.
Những tài liệu này đã cho thấy hoạt động của các mạng lưới khổng lồ của Công ty Mossack Fonseca lập để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỉ USD tiền mặt (trong khoảng thời gian từ năm 1977 tới năm 2015).
Trong số các tài liệu đã được công khai trên trang offshoreleaks.icij.org mà bất cứ ai cũng có thể truy cập này, Việt Nam có 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian. Tất nhiên, không phải cứ có mặt trong danh sách này là hoạt động phạm pháp.
Bình luận (0)