xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dinh Độc Lập - báu vật quốc gia

PHƯƠNG TRANG – MINH NAM

Đối xử với Dinh Độc Lập như một báu vật quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở mức công trình văn hóa là mong muốn chung của tất cả đại biểu tham dự hội thảo Dinh Độc Lập - Những vấn đề lịch sử văn hóa, tổ chức ngày 24-8, tại TPHCM

“Dinh Độc Lập là một chứng tích lịch sử quan trọng, từng chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực giữa chính quyền Sài Gòn và chính quyền cách mạng sau giờ phút quân giải phóng tiến vào chiếm dinh, kết thúc cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm của dân tộc VN.

Từ đây đặt ra nhiệm vụ của chúng ta là làm sao giữ lại một cách tốt nhất, trung thực nhất nguyên trạng của Dinh Độc Lập như nó đã vốn tồn tại với tư cách là một chứng tích lịch sử”. GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "Dinh Độc Lập - Những vấn đề lịch sử văn hóa” do Ban Giám đốc Hội trường Thống Nhất tổ chức tại TPHCM ngày 24-8.

Giữa vòng vây nhà cao tầng

Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM, nêu một thực trạng mà không phải ai cũng nhận thấy: Tình trạng nhà cao tầng đang có xu hướng che lấp không gian, cảnh quan di tích Dinh Độc Lập.

Theo ông Thanh, hiện trên địa bàn TPHCM chỉ có khoảng 200 di tích. “So với một địa phương lớn như TPHCM, con số trên là khá khiêm tốn” - ông Thanh nói. Do vậy, ông cho rằng nếu không có sự quan tâm đến việc bảo tồn các di tích, sau này lớp con cháu sẽ mù mờ về lịch sử dân tộc và trách nhiệm ấy thuộc về chúng ta. Từ đó, ông Thanh đề nghị sớm có quy hoạch tổng thể khu vực này nhằm trùng tu, tôn tạo di tích cho hợp lý.

Tác nhân ảnh hưởng đến Dinh Độc Lập, theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐH Quốc gia TPHCM, là sự gia tăng rác thải do lượng du khách ngày càng tăng; sự tồn tại của khu vực chuẩn bị phân bón chăm sóc cây cảnh...

Còn GS-TS Ngô Đức Thịnh chỉ ra một nghịch lý tồn tại lâu nay: Một mặt người ta thừa nhận Dinh Độc Lập như một di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn và phát huy; mặt khác, đây lại là nơi diễn ra các cuộc hội họp. “Hai hoạt động này nhiều khi đối chọi nhau, cuối cùng bao giờ cái chức năng di tích lịch sử văn hóa cũng lép vế và bị thua thiệt” - ông Thịnh nói.

Hội trường Thống Nhất hay Dinh Thống Nhất?

Tên gọi “Hội trường Thống Nhất” dễ khiến mọi người liên tưởng đến một nơi để hội họp hơn là một địa danh lịch sử. Cái tên này không chỉ khiến người ta ít có cảm giác áy náy khi sử dụng dinh vào mục đích làm dịch vụ, mà còn làm giảm đi rất nhiều tính chất tôn nghiêm của di tích.

Tên gọi của di tích này là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đa số đều muốn giữ lại tên cũ là Dinh Độc Lập.

Ông Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), cho rằng tên gọi “Hội trường Thống Nhất” không đủ sức diễn đạt ý nghĩa lịch sử trọng đại của di tích có giá trị đặc biệt, mang tính quốc gia và có ý nghĩa quốc tế trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. “Hội trường” chỉ là một điểm nhỏ trong cả một di tích lớn. Không thể xem “hội trường” là tiêu biểu cho toàn bộ công trình kiến trúc lớn, càng không thể toát lên nội hàm của di tích lịch sử văn hóa đặc biệt này.

Một số đại biểu cho rằng dù trước kia Dinh Độc Lập có các tên gọi khác nhau, thì Dinh Độc Lập cần được coi là tên chính thức. Bởi nó không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, được quyết định chính thức mang tính pháp lý, mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa.

Nâng bảo tàng lên tầm quốc gia, khu vực

Mỗi năm, Dinh Độc Lập đón khoảng 500.000 du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng công trình kiến trúc, đồng thời tìm hiểu về những giá trị lịch sử gắn liền với nó. Một nửa lượng khách tham quan là người Việt, số còn lại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đủ thấy được ý nghĩa đặc biệt của dinh.

Nhiều ý kiến cho rằng Dinh Độc Lập chính là di tích thời Pháp thuộc tiêu biểu nhất trong các công trình Pháp để lại TPHCM.

Đồng tình với nhận định trên, PGS-TS Đỗ Bang, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN, mong mỏi các cơ quan chức năng sớm hoàn tất hồ sơ công nhận Dinh Độc Lập là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt để khẳng định vị thế của nó, để có cơ sở pháp lý chính đáng tôn vinh toàn bộ di tích gần 140 tuổi này.

Ông còn cho rằng các hiện vật gắn liền với dinh đã tạo nên sức sống cho công trình kiến trúc này, nên công tác sưu tầm phải được xem trọng hơn, phải đổi mới hơn nữa công tác trưng bày. Truy tìm, sưu tập hiện vật thất lạc, thất thoát để đưa dinh trở thành một bảo tàng lịch sử - văn hóa đúng nghĩa là những nhiệm vụ cấp bách bởi nếu chúng ta không làm sớm, thế hệ sau sẽ gánh chịu thiệt thòi.

Đối xử với dinh như một báu vật quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở mức công trình văn hóa là mong muốn chung của tất cả đại biểu tham dự hội thảo.

Cần phải xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích Dinh Độc Lập bao gồm bên trong và bên ngoài. Một việc cần phải làm là hoàn thành hồ sơ để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận chính thức di tích Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt.

(PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

Từ Dinh Norodom đến Hội trường Thống Nhất

- Ngày 23-8-1868, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn theo đề án do kiến trúc sư Hermite phác thảo trên khuôn viên rộng 12 ha. Công trình kiến trúc trên được gọi là Dinh Norodom, sau đó là Dinh Toàn quyền.

- Từ tháng 3-1945 đến tháng 9-1945, dinh trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở VN. Sau khi Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2, Dinh Norodom lại trở thành trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh xâm lược của Pháp ở VN.

- Ngày 7-9-1954, dinh được bàn giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1956, Ngô Đình Diệm đổi tên dinh thành Dinh Độc Lập. Từ đó, dinh trở thành nơi ở và làm việc của tổng thống nên còn tên gọi khác là Dinh Tổng thống.

- Ngày 27-2-1962, hai phi công thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa ném bom làm sập toàn bộ phần cánh trái nên phải xây lại theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và khánh thành ngày 31-10-1966. Từ đây, Dinh Độc Lập trở thành cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

- Sau hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam - Bắc diễn ra tại Dinh Độc Lập vào tháng 11-1975, dinh chính thức được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo