Quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và đồ án thiết kế đô thị tỉ lệ 1/2.000 của 2 trục đường huyết mạch quan trọng, cửa ngõ giao thông chính của TP HCM là Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (Phạm Văn Đồng) và xa lộ Hà Nội vừa được UBND TP phê duyệt.
Nén về khu trung tâm, giãn ra ngoại thành
Theo đồ án, đường Phạm Văn Đồng là trục giao thông mới phát triển đô thị quan trọng của TP HCM kết hợp thương mại- dịch vụ (TMDV) và phát triển giao thông công cộng (GTCC), cải tạo cảnh quan kiến trúc đô thị. Trục đường dài 15,33 km với diện tích khu vực nghiên cứu thiết kế đô thị là 527,3 ha, đi qua 5 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức.
Đường Phạm Văn Đồng chia làm 10 phân khu chức năng. Theo đó, A là khu cửa ngõ hàng không; B: khu đa chức năng xây dựng mới và chỉnh trang khu hiện hữu; C: khu đa chức năng và ở cao tầng kết hợp chỉnh trang khu hiện hữu; D - E - G: khu đa chức năng và chỉnh trang đô thị kết hợp khai thác tối đa cảnh quan rạch Lăng, sông Sài Gòn; H: khu vực đầu mối giao thông đường sắt quốc gia, khu ở cao tầng và chỉnh trang đô thị hiện hữu; K: khu vực đặc trưng cảnh quan du lịch sông nước, tập trung phát triển nhà ở, chỉnh trang khu hiện hữu; L - M: khu nhà ở biệt thự kết hợp du lịch sông nước; N - O: khu cửa ngõ đường bộ, khu ở cao tầng kết hợp cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu; P: khu nút giao đường Tô Ngọc Vân, chỉnh trang đô thị hiện hữu; Q-R: khu cửa ngõ giao thông đường bộ - nút giao Linh Xuân, khu đô thị (KĐT) mới và chỉnh trang.
Tổ chức không gian đô thị của đường Phạm Văn Đồng nén dần về hướng Tân Sơn Nhất, giãn dần về hướng quận Thủ Đức. Trên đường này phát triển các cụm công trình chung cư cao tầng kết hợp TMDV tại khu vực có quỹ đất chuyển đổi lớn thuận tiện về GTCC. Bên cạnh đó, giữ lại và cải tạo, nâng cấp một số khu dân cư (KDC) hiện hữu có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, mật độ xây dựng cao, cảnh quan và kiến trúc đô thị tương đối khang trang.
UBND TP HCM cho rằng trên trục đường này nên kết hợp các hoạt động TMDV, phối hợp với hoạt động giao thông tạo thành trung tâm đa chức năng cho KDC. Thiết kế các tuyến này ngắn, có vỉa hè phù hợp, các công trình có khoảng lùi tầng trệt tối thiểu 3 m so với lộ giới để tổ chức cửa hàng và lối đi cho khách bộ hành.
Hệ số sử dụng đất được phân bố theo hướng cao tại các công trình kiến trúc cao tầng điểm nhấn, công trình giáp mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, giảm dần về các KDC hiện hữu, biệt thự, phía bờ sông. Hệ số sử dụng đất cần phối hợp với mật độ xây dựng để phù hợp với cảnh quan từng khu vực và sẽ được xem xét cụ thể khi thực hiện dự án.
Phát triển các khu đô thị mới
Với xa lộ Hà Nội, TP HCM xác định đây là trục cửa ngõ quan trọng về phía Đông Bắc nên dọc tuyến sẽ phát triển các KĐT mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Đây còn là KĐT dọc đường cao tốc đô thị (cấp 1), có chức năng giao thông đối ngoại kết nối TP HCM với các thành phố đối trọng phía Đông Bắc trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và dọc trục GTCC khối lượng lớn (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), kết nối nhiều đầu mối giao thông liên vùng.
Xa lộ Hà Nội dài 14,83 km, đầu tuyến là cầu Sài Gòn (quận 2), cuối tuyến là Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9), đi qua 3 quận: 2, Thủ Đức và 9. Trục đường này cũng chia làm 10 phân khu chức năng.
Theo đó, A - Thảo Điền là khu đa chức năng và chỉnh trang đô thị kết hợp khai thác yếu tố cảnh quan sông Sài Gòn; B - An Phú: khu đa chức năng xây dựng mới và chỉnh trang khu hiện hữu; C - Rạch Chiếc: khu đa chức năng và ở cao tầng kết hợp chỉnh trang khu ở hiện hữu; D - Phước Long: KĐT tái thiết đa chức năng; E - Bình Thái: khu đa chức năng, ở cao tầng và chỉnh trang KDC hiện hữu; F - Thủ Đức: khu vực đặc trưng cảnh quan biệt thự Làng ĐH Thủ Đức, tập trung phát triển nhà ở, chỉnh trang khu hiện hữu; G - Thủ Đức: khu đa chức năng, xây dựng mới, chỉnh trang khu hiện hữu và các khu H - Công nghệ cao, K - Suối Tiên, L - Bến xe Miền Đông.
Trên tuyến đường này, TP HCM phát triển khu trung tâm đa chức năng cấp thành phố tại khu vực cảng Phước Long (quận Thủ Đức), quy mô hơn 106 ha, gồm nhiều cơ sở công nghiệp và kho bãi ô nhiễm cần di dời. Phát triển và kết nối hài hòa các trung tâm chuyên ngành của thành phố trên xa lộ Hà Nội như: Trung tâm TDTT Rạch Chiếc (quận 2), Khu Công nghệ cao và Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9), khu ĐHQG. Hình thành các trung tâm GTCC tại các nhà ga metro thông qua việc đề xuất các ưu tiên về hệ số sử dụng đất, khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án đa chức năng.
Toàn tuyến xa lộ Hà Nội sẽ được quy hoạch theo hướng tăng cường hệ thống các trục đường đi bộ nối kết các khu vực nhà ga metro, hạn chế mở lối ra vào trực tiếp của các công trình lớn ra xa lộ, hạn chế nhà ở riêng lẻ tiếp xúc trực tiếp với xa lộ. Bên cạnh đó, TP HCM sẽ tăng cường hệ thống GTCC trong khu vực các nhà ga metro.
Công bố đồ án
UBND TP HCM yêu cầu từ nay đến giữa tháng 4-2014, UBND các quận liên quan cần tổ chức công bố đồ án thiết kế đô thị riêng tỉ lệ 1/2.000 trục đường Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội. Đồng thời, các quận sẽ tổ chức thực hiện công tác cắm mốc giới theo quy hoạch được duyệt.
Bình luận (0)