Ngày 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên họp thứ 44 với việc cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho biết qua thảo luận, còn 2 loại ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp. Theo đó, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Nhóm ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo, quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính khả thi của luật; riêng đối với UBND xã, do là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân thì phải cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc thông tin đang nắm giữ. Với cơ quan khác của nhà nước, trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nắm giữ.
Ông Phan Trung Lý khẳng định UBPL tán thành với nhóm ý kiến thứ nhất và cho biết hiện tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000; tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp.
Cho ý kiến về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - bà Trương Thị Mai - ủng hộ quan điểm của UBPL về việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bà Mai băn khoăn dự luật quy định không rõ thông tin nào được cung cấp thì quyền tiếp cận thông tin của người dân bị ảnh hưởng. Đại diện cơ quan soạn thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng ở tất cả các nước, khi nói tài liệu mật đều có giải mật và tất cả tài liệu đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận. Còn giải mật như thế nào thì liên quan đến Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được xây dựng. Đối với thông tin bí mật nhà nước cũng có quyền tiếp cận nhưng ở phạm vi hẹp, không phải mọi công dân đều được tiếp cận…
Không đồng tình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói rõ: “Để cửa cho người ta đóng dấu mật thì làm gì có ý nghĩa. Cho người ta cái quyền đóng dấu mật thì văn bản nào không muốn công khai thì cứ đóng dấu mật là không ổn. Luật phải ghi rõ thông tin quân sự, công an, tình báo là mật, nghĩa là cấm tiếp cận; còn các cái khác phải để người dân được tiếp cận”.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ngày bầu cử sẽ là chủ nhật, 22-5.
Bình luận (0)