Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết như vậy tại Diễn đàn Phát triển DN Việt Nam năm 2017, diễn ra sáng 22-6. Dẫn số liệu khảo sát PCI năm 2016, ông Tuấn cho biết 50%-60% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho biết họ chi trả chi phí không chính thức nhằm để giảm phiền hà, duy trì quan hệ, né tránh nghĩa vụ. 14% DN cho biết thêm là còn vì do bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp.
Bức tranh về việc DN gồng lưng gánh chi phí không chính thức như thế đã rõ. Dĩ nhiên, đấy là thực trạng của năm 2016. Năm 2017 thì DN đang kỳ vọng sẽ khác khi Thủ tướng Chính phủ có những cam kết rõ ràng trong Hội nghị Thủ tướng với DN, tổ chức ngày 17-5. Đặc biệt, ngay sau đó, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg quy định không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm; chỉ thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm…
Ở một góc độ khác, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 vừa được công bố hồi tháng 4, tỉ lệ người dân cho biết phải chi lót tay cho công chức để làm xong giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng so năm 2015. Khoảng 54% số người dân được hỏi khẳng định phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2015 là 51%).
Điều này cho thấy câu chuyện chi phí không chính thức (ở một dạng khác là hối lộ) không chỉ là chuyện riêng giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước mà còn trong hàng loạt ngõ ngách của đời sống xã hội. Thế thì đây là một thảm trạng chứ không còn là hiện tượng. Một khi đã là thảm trạng thì các giải pháp mang tính giáo dục, thuyết phục tuy vẫn cần thiết và vẫn có hiệu quả nhưng sẽ rất khó để đưa lại hiệu quả nhanh chóng.
Cũng như trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, nếu không có những quyết sách mạnh mẽ, những "quả đấm thép" mà chỉ loay hoay với việc tuyên truyền, giáo dục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" thì khó đạt hiệu quả. Điều này thì trong rất nhiều hội nghị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa qua cũng đã làm rõ.
Tuy nhiên, có một điểm chung tại Diễn đàn Phát triển DN Việt Nam năm 2017 cũng như khi tranh luận về chỉ số PAPI, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng DN phải mất chi phí không chính thức cũng có lỗi từ phía DN, vì có khi không hẳn chi trả để theo yêu cầu và sự sách nhiễu của thanh tra kiểm tra, thậm chí có DN còn coi đây như lợi thế cạnh tranh của mình. Việc người dân phải "lót tay" cũng có lúc là tự nguyện chứ không vì ép buộc.
Đúng như thế. Nhưng nếu mọi vấn đề liên quan đến người dân và DN đều được công khai, minh bạch, nhà nước siết chặt kỷ cương, công chức nói không với tham nhũng thì người dân hay DN muốn "lót tay" song biết đưa cho ai?
Bình luận (0)