Đền Bà Triệu tọa lạc trên chân Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hộc Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày mùng 2 Tết Giáp Ngọ đông kín người.
Hàng ngàn du khách thập phương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, đã về đây thắp nén nhang thành tâm cầu cho một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, gia đình được bình an. Tuy nhiên, một cảnh tượng “bát nháo” ở đền Bà Triệu khiến cho nhiều du khách đến đây không khỏi chạnh lòng.
Dòng người đổ về đông nghẹt đền Bà Triệu chiều mùng 2 Tết Giáp Ngọ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều mồng 2 Tết Giáp Ngọ, ngay từ cổng đền Bà Triệu đã tràn lan các trò đỏ đen trá hình núp bóng dưới hình thức các trò chơi dân gian như trò chơi “tôm cua cá”, néo bóng, phi tiêu, bắn súng…
Để có thể móc hầu bao của du khách đến lễ chùa, những ông chủ, bà chủ của các cửa hàng “đỏ đen” thường treo thưởng rất cao, trò chơi dễ trúng như 1 ăn 10 (1000 đồng trúng sẽ được 10.000 đồng), 1 ăn 20, thấp nhất là 1 ăn 5.
Đối tượng tham gia nhiều nhất là thanh thiếu niên, trong đó có rất nhiều em nhỏ đang trong độ tuổi cắp sách đến trường. Trò chơi mà rất nhiều người túm tụm lại chơi đó là trò “tôm cua cá”, bởi nó rất dễ chơi, mức đặt cao. Người chơi có thể đặt bao nhiêu cũng được, đã có nhiều người chơi “say máu”, đặt cửa lên tới cả triệu đồng/lượt chơi.
Sau một hồi quan sát, chúng tôi nhận thấy người chơi chẳng ai được mà tiền toàn rơi vào túi các chủ cửa hàng. Và trò “đỏ đen” được chơi ngay cạnh một chiếc xe biển xanh của lực lượng công an.
Không chỉ có trò đỏ đen khiến du khách thấy phản cảm, mà ngay tại đền Bà Triệu cảnh người ăn xin bám theo khách xin tiền, ngồi la liệt khắp từ trong cổng vào đến chính đền cũng khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Rồi việc cấm thắp hương cũng được nhiều người lơ đi đem vào thắp cắm tràn lan trong đền, cảnh thanh niên tóc xanh, tóc vàng phóng thẳng xe máy vào đền tụm năm, tụm 7 nói năng bậy bạ ngay trong khuôn viên đường.
Đặc biệt, tại đền Bà Triệu hiện tượng mê tín vẫn xuất hiện như xem tay, xem tướng số cũng xuất hiện. Hàng chục người đứng kín 2 lối ra vào đền để chèo kéo, mời gọi người mua quẻ bói để xem tướng số, tử vi…
Điều đáng nói là ngay trong đền một chiếc loa cứ phát đi phát lại nhiều lần việc khuyên người dân không nên mua quẻ để xem bói, xem tay, không được đem hương vào đền thắp để tránh cháy nổ, nhưng tất cả vẫn cứ diễn ra, dù trong đền có cả một đội ngũ quan lý điều hành tại di tích.
Ngôi đền thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh nằm trên núi Gai, cạnh quốc lộ 1A
Bà Hoàng Thị Tòng, ngụ xã Hoằng Anh, TP Thanh Hóa, bức xúc: “Đến đến chùa đâu năm là một nét đẹp văn hóa từ ngàn năm của người Việt, đây là chốn linh thiêng nhưng những trò “đỏ đen” trá hình, xem tay tướng số, rồi bán quẻ tràn lan khiến cho cảnh đền chùa mất linh thiêng. Tôi không hài lòng về điều này”.
Đây không phải là cảnh tượng lần đầu xuất hiện tại đền Bà Triệu, nó đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và đã có nhiều lần cơ quan chức năng ra quân dẹp bỏ, nhưng xem ra nó vẫn chưa được xử lý triệt để ở đền Bà Triệu.
Được biết, đền Bà Triệu là nơi thờ tự vị nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh , người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô ( Trung Quốc ) vào giữa thế kỷ III sau công nguyên . Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm từ ngày 21-2 đến 24-2 ( âm lịch ).
Dưới đây là một số hình ảnh mà PV Báo Người Lao Động ghi nhận tại đền Bà Triệu vào ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ.
Bình luận (0)