xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổ nợ vì tôm hùm chết

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Hơn 300.000 con tôm hùm chết trong vòng 2 tháng qua đã đẩy nhiều người ở thị xã Sông Cầu – Phú Yên vào cảnh nợ nần

img
Anh Huỳnh Ngọc Hiếu rầu rĩ bên những con tôm hùm chết
Từ ngày 18 đến 23-2, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu – Phú Yên đã mời chuyên gia tập huấn khẩn cấp cho người dân nơi đây về cách phòng trị bệnh trên tôm hùm.

Lo không có tiền trả ngân hàng

Anh Huỳnh Ngọc Hiếu (ngụ thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) rầu rĩ bên mớ tôm hùm chết vừa bắt lên từ lồng nuôi. Chỉ một đêm, 12 con tôm hùm có trọng lượng 0,5 kg/con đều gục đầu, làm anh Hiếu mất gần 10 triệu đồng.

Trước đây, anh Hiếu làm nghề mành tôm. Tháng 9-2011, tàu của anh không may bị sóng đánh chìm, trục vớt rồi bán lại chỉ được 15 triệu đồng, vợ chồng anh bàn bạc vay thêm tiền ngân hàng chuyển sang nghề nuôi tôm hùm. Nuôi được 300 con nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay, tôm liên tục chết, giờ chỉ còn gần 100 con. “Chưa biết khi nào tôm mới hết chết, cứ thế này, tôi lo không có tiền trả ngân hàng” - anh Hiếu chùng giọng.

Ông Lê Văn Thành (51 tuổi) được xem là người nuôi tôm hùm nhiều nhất ở thôn Vịnh Hòa. Ông vay ngân hàng 400 triệu đồng và dốc hết vốn liếng để thả nuôi 10.000 con tôm hùm. Thế nhưng, 2 tháng qua, mỗi sáng, con ông lặn kiểm tra bè đều phát hiện trên dưới 15 kg tôm hùm chết, thiệt hại hơn 30 triệu đồng/ngày. “Chưa khi nào tôm chết nhiều như vậy. Tôi đã tìm đủ cách, cho ăn đủ loại thuốc nhưng tôm vẫn cứ chết” - ông Thành nói.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, phần lớn tôm chết đều ở giai đoạn nuôi thịt (từ 0,3 - 0,8 kg/con). Trong đó, nhiều nhất là ở các xã Xuân Thịnh và Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) - những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Phú Yên. Trong số 8.700 lồng tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, có 6.800 lồng tôm hùm thịt với tỉ lệ tôm chết từ 50%-70%. Xã Xuân Cảnh ít hơn, trong 1.800 lồng với 90.000 con, số lượng tôm chết mỗi lồng trung bình là 45%. “Mặc dù chúng tôi đã mời chuyên gia về tập huấn cách phòng trị bệnh trên tôm cho người dân nhưng tình trạng tôm chết hàng loạt vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm” - ông Hồ Nam Yên, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, nói.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nở, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên - đơn vị được giao nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh thủy sản ở tỉnh Phú Yên, cho biết do ban phòng trị bệnh tôm của trung tâm này bị cắt kinh phí hoạt động, đã giải thể nên trung tâm không rõ việc tôm hùm chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu.

Nuôi dày, ô nhiễm

Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tôm hùm chết hàng loạt được xác định là do mắc các bệnh sữa, đen mang và đỏ thân. Tỉ lệ tôm mắc bệnh và chết tăng vọt được ghi nhận là do mật độ nuôi dày và nguồn nước đầm Cù Mông bị ô nhiễm nặng.

Chỉ tính riêng ở xã Xuân Thịnh, diện tích mặt nước được quy hoạch nuôi tôm hùm chỉ 90 ha, trong khi số lượng lồng nuôi lên đến 8.700, trung bình 96 lồng nuôi/ha mặt nước. Trong khi đó, theo quy định của Bộ NN-PTNT, mỗi hecta mặt nước chỉ được phép nuôi từ 30 đến 60 lồng tôm.

Kết quả quan trắc môi trường nước đầm Cù Mông của Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho thấy tầng đáy (nơi tôm hùm sinh sống) bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh nặng. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, chuyên viên phụ trách lĩnh vực thủy sản của Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, để người dân nuôi tôm hùm với mật độ dày đặc dẫn đến tôm chết hàng loạt một phần lỗi thuộc về các ngành chức năng của địa phương, trong đó có Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu. “Theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản bền vững, toàn thị xã chỉ dừng lại ở con số 16.000 lồng tôm hùm nhưng hiện tại đã lên trên 22.000 lồng với hơn 1,1 triệu con” - ông Anh nói.

Theo ông Anh, ý thức người nuôi trong việc phòng trị bệnh cho tôm hùm hiện nay còn rất kém. Khi xảy ra dịch bệnh, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu mời chuyên gia về tập huấn cách nhận biết và phòng trị bệnh cho tôm hùm nhưng người nuôi lại chẳng mặn mà tham gia, chỉ trị bệnh theo cách của mình. “Tôi muốn giúp người dân điều trị bệnh trên tôm theo đúng phác đồ nhưng người dân xem đó là chuyện vặt nên chẳng giúp được gì nhiều” - TS Võ Văn Nha, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III), nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo