HĐND TP Hà Nội đã dành trọn ngày 3-12 để chất vấn các thành viên UBND TP về những vấn đề nóng được nhiều cử tri quan tâm trong 3 nhóm vấn đề chính: kinh tế, quản lý đất đai và văn hóa- xã hội.
Thuê người chạy xe ôm làm… giám đốc
Đăng đàn trả lời các vấn đề liên quan đến nợ đọng thuế, phí trên địa bàn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết tính đến ngày 31-10, tổng nợ thuế là 21.850 tỉ đồng, tiền chậm nộp thuế là 7.092 tỉ đồng. Số nợ thuế tăng theo cấp số cộng, với mức tăng gần 2.000 tỉ đồng mỗi năm, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp (DN) bỏ địa chỉ kinh doanh. Theo thống kê, hiện có gần 2.500 tỉ đồng nợ thuế của DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng hoạt động.
Theo đại diện ngành thuế TP Hà Nội, các DN nợ thuế thuộc diện bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng hoạt động nêu trên chủ yếu là những trường hợp thành lập ra để buôn bán hóa đơn, xong giải thể ngay nên rất khó phát hiện. “Chúng tôi phát hiện khoảng 400 tỉ đồng của đối tượng DN thành lập để buôn bán hóa đơn và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Trong số này, hầu hết người đứng ra thành lập DN mượn CMND, thuê người làm giám đốc. Khi công an xác minh mới biết những người được thuê làm giám đốc đang hành nghề xe ôm, có người đang trong tù hoặc mất CMND” - ông Hải nêu.
Xung quanh nội dung này, tại phiên chất vấn, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết qua điều tra phát hiện có đối tượng thành lập DN nhưng thuê người chạy xe ôm đứng tên làm giám đốc với giá 1 triệu đồng. Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Thuế tiến hành xác minh hơn 300 DN trên địa bàn bỏ trốn khỏi địa điểm sau khi thành lập.
Đặc biệt, theo ông Chung, cơ quan chức năng đã phát hiện 16 DN do một người tên Nguyễn Trường (ngụ phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành lập từ năm 2008 - 2014. Lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn do nhà nước ban hành, DN này đã thuê in hóa đơn ở TP HCM, sau đó bán cho 2.295 DN khác với số tiền 5.428 tỉ đồng. Ngay khi tiền được chuyển vào tài khoản, Nguyễn Trường cùng thủ quỹ của các công ty mua hóa đơn ra ngân hàng rút tiền mặt và Trường được chi lại 12%.
Nếu cháy sẽ là thảm họa
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, qua giám sát cho thấy tại các chung cư tái định cư, công tác PCCC ở tình trạng đáng báo động.
“Tôi phải nói là 3 không: không hệ thống báo cháy, không hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường. Cầu thang bộ chỉ dùng khi thang máy hỏng chứ không giúp được người dân thoát nạn khi xảy ra cháy. Nếu xảy ra cháy ở đây sẽ là thảm họa. Chúng tôi đến kiểm tra các tòa nhà này thì chờ 30 phút mà vẫn không tập hợp được đội ngũ chữa cháy tại chỗ, máy bơm 3 năm nay không hoạt động. HĐND TP đã kiến nghị từ tháng 3-2015 mà đi kiểm tra tháng 10-2015 vẫn nguyên trạng. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn có biết điều này không?” - ĐB Nam gay gắt.
Trả lời, ông Lê Hồng Sơn dẫn ra những quy định về pháp luật liên quan đến công tác PCCC. Theo đó, trách nhiệm bảo đảm PCCC của chủ đầu tư từ khi lập hồ sơ thiết kế đến thi công quy định rất cụ thể nhưng thực tiễn vẫn xảy ra những tình trạng nêu trên. “Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật là quan trọng, tiếp đó là PCCC tại chỗ. Nếu làm tốt các công tác này thì lực lượng PCCC sẽ thất nghiệp. Mong lực lượng PCCC ít việc và nếu không có việc càng tốt” - ông Sơn bày tỏ.
ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng câu trả lời của ông Sơn là không đúng ý bởi ĐB chỉ hỏi công tác PCCC nhà tái định cư chứ không phải nhà thương mại. “Nhà tái định cư, chủ đầu tư là TP Hà Nội và TP giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển nhà quản lý. Công ty này trả lời đoàn giám sát là không có tiền, vậy TP có biết không?” - ĐB Nam nhấn mạnh lại nội dung chất vấn.
Đáp lời, ông Sơn xin lỗi vì không nghe rõ câu hỏi và xin được tiếp thu. “Công ty TNHH MTV Phát triển nhà phải có báo cáo. Khi có phương án cụ thể, TP sẽ báo cáo ĐB và HĐND” - ông Sơn khẳng định.
Đề xuất bỏ hình thức phạt cho tồn tại
ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc phối hợp giữa các sở, ngành với chính quyền quận rất hạn chế. Điển hình là sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, đến khi cư dân đi kiện cáo, báo chí đưa tin thì mới biết. Theo ông Nam, có kẽ hở trong cơ chế phối hợp kiểm tra để phát hiện sai phạm tại dự án này.
Trả lời, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng sai phạm tại dự án trên là do việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư không tốt, tiếp đó là các lực lượng chức năng chưa làm hết nhiệm vụ. Ngoài ra, xuất hiện một số tình huống sai phạm nhưng không vi phạm quy hoạch, được cho phạt nhưng vẫn tồn tại. “TP đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét vì quy định này không phù hợp với Hà Nội, sai phạm nhưng vẫn có thể xin để hợp thức hóa tồn tại” - ông Hùng giải thích.
Bình luận (0)