Chiều 2-7, tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam đã thông tin về vụ doanh nghiệp thu phí tại Trạm thu phí Tam Kỳ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) “chống lệnh” dừng thu phí của UBND tỉnh Quảng Nam (Báo Người Lao Động đã thông tin).
UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn yêu cầu dừng nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu phí tại Trạm thu phí Tam Kỳ
Ông Truyền cho biết, theo đề nghị của chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), ý kiến đề xuất của Sở Giao thông Vận tải và các ngành liên quan, ngày 11-6, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn chỉ đạo dừng thu phí ở Trạm thu phí Tam Kỳ từ 0 giờ ngày 15-6. Tuy nhiên, đơn vị thu phí là Công ty TNHH Đầu tư thương mại - Du lịch Hiệp Phúc (Công ty Hiệp Phúc) không chấp hành.
Ngày 29-6, UBND tỉnh Quảng Nam đã họp nghe lại tình hình thì nhận thấy tỉnh chỉ mới “tạm dừng thôi chứ chưa có văn bản chính thức dừng”. Chính vì thế, UBND tỉnh Quảng Nam giao các cơ quan chức năng tham mưu để tỉnh ban hành quyết định chính thức dừng thu phí dự kiến vào ngày 15-7.
Theo ông Truyền, nguyên nhân dẫn đến việc tỉnh đã có văn bản dừng mà doanh nghiệp vẫn thu là “do cơ sở pháp lý của văn bản”. Sau khi có quyết định chính thức, tỉnh sẽ yêu cầu Cục thuế, Sở Tài chính rà soát và nếu thu vượt tiền hoàn vốn thì khoản vượt sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Cũng theo ông Truyền, theo báo cáo của Cienco 5 thì đến ngày 15-5, Công ty Hiệp Phúc đã thu đủ vốn.
Khi được các phóng viên hỏi vì sao tỉnh đã yêu cầu dừng rồi mà doanh nghiệp vẫn thu? Ông Truyền đỗ lỗi rằng: “do doanh nghiệp không chấp hành”. Khi hỏi vì sao không có biện pháp cưỡng chế, phải chăng pháp luật không nghiêm thì ông Truyền cũng chỉ nói rằng mình chỉ thông tin lại những chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam thôi chứ chính ông cũng bức xúc!
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động câu hỏi vì sao đã xác định doanh nghiệp thu đủ vốn nhưng quyết định sắp ban hành phải đến ngày 15-7 mới chính thức dừng, ông Truyền cho rằng muốn ban hành quyết định phải đảm bảo tính trình tự.
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên khác đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà nước, người dân bị thiệt thòi khi doanh nghiệp cố tình thu phí sẽ giải quyết ra sao, việc thu phí của doanh nghiệp sau khi tỉnh đã có lệnh dừng là đúng hay sai… đều không được ông Truyền trả lời thỏa đáng mà chỉ khẳng định “tỉnh sẽ xử lý nghiêm”.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hùng, Tổng giám đốc Cienco 5, cho biết đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cho phép được thu phí hoàn vốn Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Quảng Nam (thành phần 2) mà đơn vị vừa hoàn thành. “Bây giờ thì chưa thể trả lời câu hỏi lúc nào thu vì còn phụ thuộc vào thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo quy định, trong vòng từ 90-100 ngày kể từ khi có văn bản đề nghị thu phí, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan sẽ làm tất cả những thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để chủ đầu tư được phép thu phí” – ông Hùng thông tin.
Như vậy, thời gian người dân, doanh nghiệp đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam không phải đóng phí chỉ được tính bằng ngày nhưng xem ra chẳng được bao lâu bởi sự giải quyết có phần lúng túng của UBND tỉnh Quảng Nam.
Bình luận (0)