Chiều 4-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.
Khẳng định cộng đồng DN đang đứng trước cơ hội vàng do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nhiều hiệp định song phương, đa phương đã và đang thực hiện nhưng ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết cộng đồng DN TP đang lo lắng vì nhìn thấy thách thức nhiều hơn cơ hội. Nợ xấu, hàng tồn kho lớn, thiếu vốn, lãi suất cao… vẫn còn đó thì nay xuất hiện thêm một số khó khăn mới. Tại TP HCM, trong tháng 1 có 4.320 DN ngừng hoạt động, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Xét về năng lực tài chính, quản lý, máy móc công nghệ, thị trường… DN trong nước đều ở mức thấp so với các tập đoàn nước ngoài. Trong khi đó, DN trong nước vẫn đang loay hoay với các bài toán vốn, lãi suất, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực… và “chiến đấu” với hàng trôi nổi, hàng tiểu ngạch...
Đại diện các hiệp hội, hội ngành nghề cũng cho biết đang gặp nhiều trở ngại do cơ chế chính sách. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, các hiệp định thương mại mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nhưng chưa có chính sách nên DN trong nước không thể nắm bắt cơ hội, chưa thể đầu tư chuyển đổi công nghệ nên thua ngay trên sân nhà do sự chậm trễ, đi sau của cơ chế chính sách.
Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, những vấn đề DN nêu ra không mới nhưng khá cụ thể. Trong quá trình cải cách thể chế, một số luật bắt đầu có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện nên chưa giải quyết được thực tế DN nêu. Cũng theo ông Lịch, vấn đề lớn nhất hiện nay là DN cảm thấy hội nhập tạo ra cơ hội quá ít và quá khó nắm bắt. DN trong nước rất yếu nên cần nhà nước giúp họ, nhất là giai đoạn đầu trong vấn đề tận dụng cơ hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng chính sự chuẩn bị không đồng bộ đã dẫn đến việc chúng ta đang dọn sẵn sân bãi cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáp. Các DN Việt Nam lúng túng bị động do cơ quan nhà nước có khoảng trống trong sự chuẩn bị. Dòng vốn FDI vào nhanh để khai thác phần lợi thế lẽ ra các DN Việt Nam được hưởng nhưng mình đã nhường cho DN FDI.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, khi cùng tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị số 1 tiếp xúc với cử tri quận 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nghe cử tri bày tỏ nhiều lo lắng khi tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông… ngày càng nghiêm trọng.
Chưa “fair play”
Nhắc lại câu chuyện bị truy thu thuế và phạt oan số tiền 117 tỉ đồng (do thực hiện theo hướng dẫn về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và niêm yết lần đầu) từ 3 năm trước, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, cho biết công ty được tạm hoãn nộp phạt nhưng số tiền nộp ban đầu 70 tỉ đồng thì không biết về đâu, công ty kiến nghị lên các cấp mà không được giải quyết thỏa đáng. “Chúng tôi thấy không có sự “fair play” trong hành xử với DN. DN chậm nộp thì bị phạt nhưng 70 tỉ đồng của DN cơ quan thuế giữ 3 năm nay mà không có giải thích hay thông báo gì. 70 tỉ đồng đó nếu nằm ở công ty thì chúng tôi đã làm ra mấy trăm tỉ đồng. Ba năm qua, chúng tôi mất cơ hội tham gia nhiều dự án vì quy định đấu thầu là DN không có vướng mắc về thuế” - bà Yến nói.
Bình luận (0)