Ngày 20-8, những thanh niên vừa được VKSND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) đình chỉ vụ án “Cướp tài sản” cho biết đã làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai cũng như tố cáo người đã đánh đập, ép phải nhận tội cướp tài sản.
Bị phó công an xã đánh ép nhận tội?
Trong đơn tố cáo gửi các ngành chức năng, Nguyễn Vũ Ca (SN 1996; ngụ xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết vào tối 2-6-2015, anh cùng Nguyễn Hoàng Khang (SN 1995, ngụ cùng xã Lâm Hải) ghé vào quán nhậu ở TP Cà Mau - nơi Lê Minh Nhựt (SN 1998; ngụ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) làm phục vụ bàn - để nhậu. Sau đó, chị của Ca và một người bạn đến quán gặp Ca và Khang. Lúc này, Nhựt vừa chạy bàn vừa nhậu.
Sau khi ra tù, anh Nguyễn Vũ Ca (bìa trái) đi học nghề sửa chữa điện thoại còn anh Nguyễn Hoàng Khang đi cân cua biển mướn
Khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, Công an xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) đi cùng Lâm Chí Nhẫn (ngụ TP Cà Mau) đến mời Ca, Khang và Nhựt về trụ sở làm việc. Sau đó, cả ba bị đưa đến trụ sở Công an xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) vì nghi vấn liên quan đến vụ cướp điện thoại trên cầu Lương Thế Trân mà anh Nhẫn là bị hại.
Làm việc đến khoảng 3-4 giờ hôm sau, cả ba được cho về. Tối 10-6-2015, Công an xã Lương Thế Trân xuống mời 3 thanh niên này lên làm việc. Tại đây, khi Ca nói không tham gia vụ cướp điện thoại của anh Nhẫn, ông Nguyễn Văn Tý (phó công an xã) đã kêu Ca theo ông ra ngoài, sau đó cùng một người nữa chở Ca đến 1 căn nhà. Tại đây, Ca vẫn khẳng định mình không liên quan đến vụ cướp. Thế là, ông Tý đấm vào lưng, vào mặt Ca. Vì quá đau và sợ bị đánh chết nên Ca đành nhận có tham gia cướp. Sau đó, ông Tý và một người khác chở Ca về trụ sở để ký tên vào biên bản.
Trong đơn tố cáo, anh Khang cũng cho biết khi bị mời lên công an xã, anh trả lời không tham gia cướp. Thế là một công an viên nói: “Nếu có cướp thì nhận đi, phạt hành chính xong rồi về, mua điện thoại khác trả cho người ta là xong”.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, ông Tý vào nói Nhựt và Ca đã nhận hết rồi. Tuy nhiên, Khang vẫn không nhận tội. Lúc này, ông Tý đấm vào mắt trái của anh. Tối đêm đó, Khang, Ca và Nhựt bị giữ lại Công an xã Lương Thế Trân, đến sáng hôm sau bị giải lên Công an huyện Cái Nước. Trong đơn tố cáo của mình, anh Nhựt cũng khẳng định bị ông Tý đánh quá đau nên đành nhận tội có đi cướp. “Ông Tý kêu tôi viết lời nhận tội và đọc nội dung cho tôi viết” - anh Nhựt nói.
Đòi bồi thường 1 tỉ đồng
Ngoài việc làm đơn tố cáo hành vi ép cung và dùng nhục hình bởi ông Tý, Khang, Ca và Nhựt còn làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai sau hơn 14 tháng bị bắt tạm giam và 3 lần ra tòa nhưng đều được TAND huyện Cái Nước trả hồ sơ điều tra bổ sung vì lời khai của bị hại có nhiều mâu thuẫn, bản thân các bị cáo luôn kêu oan tại phiên tòa.
Trong đơn yêu cầu, anh Khang cho biết mình đi làm công nhân tại Bình Dương với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Hôm vừa về thăm nhà thì anh bị bắt cùng với Ca và Nhựt. Do vậy, tính từ ngày bị tạm giam đến ngày được cho gia đình bảo lĩnh là 385 ngày (trước ngày đình chỉ vụ án khoảng một tháng). Nay anh Khang không thể lên Bình Dương làm việc trở lại vì bị chủ cho nghỉ việc. Hiện tại, hằng ngày, anh đi cân cua biển mướn cho một người ở gần nhà.
Còn anh Ca cho rằng trong quá trình tạm giam, anh bị ho ra máu. Do hạn chế vận động đi lại nên chân trái của anh bị cong vẹo, không được bình thường như trước. Trong suốt quá trình bị tạm giam đến nay, tinh thần của anh sa sút, luôn trong trạng thái lo sợ, ám ảnh. Sau khi được trả tự do, anh Ca đã đi học nghề sửa chữa điện thoại di động tại Cà Mau.
Đối với em Nhựt, lúc bị bắt tạm giam thì em đang học lớp 10. Ngoài giờ học, Nhựt đi làm phục vụ quán ăn để phụ giúp cha mẹ lo tiền trả nhà trọ tại TP Cà Mau sau khi nuôi tôm thất bát ở quê. Hiện tại, Nhựt đang thu xếp để đi học trở lại.
Theo đơn của Khang, Ca và Nhựt thì tổng mức yêu cầu bồi thường oan sai khoảng 1 tỉ đồng. Luật sư Trần Thị Ánh (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương thuộc Đoàn Luật sư TP HCM) - người đứng ra giải oan cho 3 thanh niên này - cho biết: Quyết định đình chỉ vụ án hình sự ngày 15-8 và các quyết định đình chỉ bị can đối với Nhựt, Khang và Ca của VKSND huyện Cái Nước đã xác định hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để truy tố 3 thanh niên nói trên phạm tội “Cướp tài sản”. Như vậy đã có đủ cơ sở để áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (năm 2004) và các văn bản liên quan hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.
Do đó, Nhựt, Khang và Ca có đủ điều kiện để gửi đơn đến VKSND huyện Cái Nước yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Ngoài ra, căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản liên quan thì người đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại; có trách nhiệm thông báo thời gian, địa điểm tiến hành việc xin lỗi cho chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú biết để cử người đại diện tham dự. Sau khi có quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc cấp và chi trả tiền bồi thường.
Bình luận (0)