Từ đợt thi THPT quốc gia đã được tổ chức, chúng ta thấy rõ căn nguyên của những trở ngại, khó khăn, tốn kém tiền của và sức lực cho thí sinh, phụ huynh, nhà trường và Bộ GD-ĐT là ở chỗ bộ ấn định sai nguyện vọng của thí sinh và phụ huynh; bộ quá ôm đồm giữ độc quyền điểm thi của thí sinh trên toàn quốc.
Tâm lý của thí sinh và phụ huynh là muốn được vào học ở một trường nào đấy có đào tạo ngành mà mình đang mong ước. Vì vậy, họ muốn được nộp đơn cùng một lúc càng nhiều trường càng tốt, may ra trúng được một trường là thỏa mãn lắm rồi. Nếu thí sinh giỏi thật sự thì cái đơn mình nộp cho một trường tốp trên sẽ được nhận, đồng thời chắc chắn các trường kia cũng nhận. Nếu thí sinh học lực không đủ để “chọi” với người giỏi hơn thì may ra sẽ được một trường cấp dưới chọn vào.
Thế nhưng, năm 2015, Bộ GD-ĐT lại cho 4 phiếu điểm và bắt buộc thí sinh nộp phiếu 1 (dùng xét tuyển đợt 1) là 4 nguyện vọng vào 4 ngành của cùng 1 trường; 3 phiếu kia cho 3 đợt xét tuyển khác nhau tiếp sau đó nếu thí sinh không trúng tuyển trong đợt 1. Thế là mục đích phát 4 phiếu điểm để đăng ký cùng ngành vào 4 trường không thực hiện được.
Vì lý do muốn tạo điều kiện cho thí sinh có xác suất cao được vào một trường có ngành học theo ước mơ của mình, chúng tôi đề nghị phát cho mỗi thí sinh nhiều phiếu kết quả điểm thi để thí sinh nộp vào học ngành ưa thích cùng lúc nhiều trường.
Có người nói rằng nếu cho nộp như vậy thì số thí sinh ảo sẽ rất nhiều. Tất nhiên, có thể một thí sinh giỏi sẽ đậu vào học - thí dụ như ngành ngoại thương - tại 4 trường đại học thì đúng vào ngày nhập học do bộ quy định mà thí sinh đó không có mặt tại 3 trường thì ngày hôm sau 3 trường còn lại sẽ tiếp tục tuyển thêm thí sinh đang trong danh sách tuyển đợt 2 của 3 trường đó. Và đến ngày tập hợp tựu trường đợt 2, nếu thí sinh nào không có mặt tại trường thì chắc đã vào trường khác rồi; thế là ngày hôm sau, đợt tuyển thứ 3 bắt đầu. Theo quy chế này, tuyển sinh của hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ không trải dài cả 3 tháng như mấy năm trước mà có thể kết thúc trong vòng 2 tuần - rất gọn nhẹ, ít tốn kém cho xã hội và cho nhà nước; không còn những căng thẳng như trước nữa.
Nếu quy chế tuyển sinh được thực hiện như thế, việc giữ bí mật điểm thi và địa chỉ của thí sinh sẽ không còn quan trọng nữa; tình trạng “chụp giật” thí sinh giữa các trường tốp trên, tốp dưới sẽ giảm đi nhiều và kết quả thi THPT quốc gia sẽ được công khai nhanh chóng, không còn tình trạng nghẽn mạch thông tin, không còn nạn mua bán danh sách thí sinh giữa trung tâm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và các trung tâm thi với các trường đại học không được tổ chức thi.
Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT và Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ đề xuất này ngõ hầu đổi mới cơ bản việc tuyển sinh đại học ở Việt Nam.
Bình luận (0)