Ngày 3-9, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi; quê xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) gửi đơn đến Công an TP Cà Mau đề nghị được nhận số vàng gần 5 lượng (24K và 18K) mà chị nhặt được vào ngày 4-8-2014.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, hơn 1 năm trước, chị Mai là công nhân Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau (Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý), trong lúc đang phân loại rác thì phát hiện 1 chiếc ví màu đỏ, bên trong có gần 5 lượng vàng. Công an TP Cà Mau đã tạm giữ số vàng này, thông báo tìm chủ sở hữu nhưng đúng 1 năm vẫn không ai đến nhận.
Ngày 1-9, sau khi báo chí thông tin vụ chị Mai yêu cầu nhận lại số vàng đã nhặt được thì xuất hiện người nhận là chủ của số vàng trên. Công an TP Cà Mau xác nhận có thông tin trên và gia hạn thời gian xác minh trong 30 ngày nhưng không tiết lộ nhân thân người này.
Trước đó, cơ quan chức năng Cà Mau cũng đưa ra hướng giải quyết là áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ Luật Dân sự về xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên trong vụ việc của chị Mai. Theo đó, chị Mai sẽ được nhận số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu theo quy định và 50% giá trị của số tài sản vượt quá 10 tháng lương tối thiểu, phần giá trị còn lại thuộc nhà nước. Như vậy, chị Mai sẽ được hưởng khoảng 70 triệu đồng, còn lại khoảng 45 triệu đồng sẽ sung công. Tuy nhiên, chị Mai không đồng ý.
Luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau), nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Mai, cho rằng xét về cả lý và tình, cơ quan chức năng nên cho chị Mai hưởng trọn số vàng nói trên theo khoản 2, điều 239 Bộ Luật Dân sự. Điều này quy định trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai, nó sẽ thuộc sở hữu của người phát hiện.
“Thoạt nhìn thì giữa khoản 2 điều 241 và khoản 2 điều 239 có nội dung khá giống nhau nhưng khác ở chỗ “nhặt được” (điều 241) và “phát hiện được” (điều 239). Đối chiếu với trường hợp của chị Mai thì có thể xác định chị là người “phát hiện được” số vàng thông qua quá trình lao động (phân loại rác). Còn đứng ở góc độ tình người thì ai cũng biết chị Mai nghèo khó, số tiền 45 triệu đồng có thể giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Mặt khác, trường hợp của chị Mai giống với trường hợp của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người phát hiện 5 triệu yen trong thùng loa ở TP HCM. Chị Hồng được cơ quan chức năng áp dụng khoản 2 điều 239 thì hà cớ gì cơ quan chức năng áp dụng khoản 2 điều 241 đối với chị Mai” - luật sư Thuận đặt vấn đề.
Bị sa thải trái pháp luật
Chị Mai bị Công ty Công Lý ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 13-8-2014. Quyết định sa thải nói rõ căn cứ sa thải là chị Mai vi phạm nội quy của đơn vị vào ngày 4-8-2014. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong ngày 4-8-2014, chị Mai không vi phạm gì ngoài “lỗi” không chịu giao cho nhà máy số vàng do chị phát hiện.
Theo ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy Xử lý rác thải Cà Mau, số vàng chị Mai phát hiện nằm trong khuôn viên nhà máy nên phải thuộc sở hữu của nhà máy. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thanh Thuận, không rõ nội quy của công ty có quy định việc phát hiện được tài sản kiểu như chị Mai là phải giao nộp cho nhà máy hay không. Nếu có thì nội quy này trái với quy định của pháp luật, nếu không thì chị Mai không vi phạm nội quy của công ty. “Cả 2 trường hợp, công ty cho chị Mai thôi việc đều trái pháp luật” - luật sư Thuận nhận định.
Bình luận (0)