ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Hậu Giang.
. Phóng viên: Vì sao chính quyền địa phương và ngành du lịch Hậu Giang lại quyết định di dời chợ nổi Phụng Hiệp đi nơi khác?
- Ông Nguyễn Thanh Hùng: Ra đời vào khoảng năm 1915, chợ nổi Phụng Hiệp in đậm vào tâm trí khách du lịch vì nó nằm ngay điểm hội tụ giữa 7 nhánh sông mang tên hết sức mộc mạc: Bún Tàu, Mang Cá, Cải Kôn, Sóc Trăng, Cái Hiếu, Xẻo Dông và Xẻo Môn. Vì thế, có người còn quen gọi chợ nổi Phụng Hiệp bằng cái tên “Chợ nổi Ngã Bảy”.
Tại khu chợ nổi này đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy dẫn đến chết người. Hơn nữa, vì ý thức của bà con tiểu thương chưa cao, nên khu chợ này còn mắc phải chuyện vệ sinh môi trường. Đấy chính là lý do từ khoảng năm 2001- 2002, chính quyền tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quyết định di dời chợ nổi Phụng Hiệp vào một nhánh sông ở Ba Ngàn (cách vị trí cũ khoảng 2 km).
. Nhiều du khách đã thất vọng vì không còn bóng dáng của chợ nổi Phụng Hiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Có thể khẳng định rằng, chợ nổi Phụng Hiệp được xem là khu chợ nổi “thương hiệu” của ĐBSCL. Trong thời gian di dời tạm sang vị trí mới, ngành du lịch của địa phương đã không tính đến chuyện công bố rộng rãi vì có rất nhiều tài liệu du lịch trên thế giới đã giới thiệu về vị trí của khu chợ này. Chính vì thế, không ít khách du lịch cho rằng chợ nổi Phụng Hiệp không còn hoạt động hay đã bị “xóa sổ”. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc di dời chưa hợp lý này.
Như vậy có nghĩa rằng chợ nổi Phụng Hiệp sẽ được đưa trở về vị trí cũ như trước đây?
- Đúng. Sau khi Liên hoan Du lịch ĐBSCL lần thứ 2 tổ chức tại An Giang kết thúc, lãnh đạo của Tổng cục Du lịch đã đến khảo sát hoạt động của chợ nổi Phụng Hiệp ở vị trí mới và đồng ý cho ngành du lịch Hậu Giang dời chợ nổi này trở về vị trí cũ, nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Theo kế hoạch, cuối năm nay, chợ nổi Phụng Hiệp sẽ được trở về vị trí cũ.
Bình luận (0)