Trong kết luận kiểm toán mới đây về dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng vốn đầu tư của công trình này đã tăng từ 3.734 tỉ đồng dự toán ban đầu lên 8.974 tỉ đồng, tức đội giá khoảng 2,5 lần.
Kết luận kiểm toán về đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa ra trong bối cảnh mà hễ cứ nhắc tới các công trình giao thông là nói tới điều chỉnh, vượt tổng mức, đội giá… Cũng đội giá “khủng” như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình còn có “người anh em” cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang xây dựng. Tổng vốn đầu tư dự toán của công trình này khi khởi công và ký hợp đồng BOT chỉ khoảng 24.500 tỉ đồng song sau một thời gian, nhà đầu tư đã loan báo con số gây sốc là phải gần 50.000 tỉ đồng mới làm xong.
Đội giá ngàn tỉ còn có thể thấy ở nhiều siêu dự án khác ở nước ta, như: Lọc dầu Dung Quất từ 1,5 tỉ USD vọt lên hơn 3 tỉ USD; đường Hồ Chí Minh hiện nâng tổng đầu tư dự án lên hơn 103.000 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007… “Khiêm tốn” như thủy điện Sơn La cũng đội giá thêm 14.000 tỉ đồng.
Vấn đề đội giá các công trình khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng phải thốt lên: “Có công trình nào không đội giá?... Công trình cả ngàn tỉ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến giá đắt nhất khu vực, nhất thế giới”.
Đội giá chẳng khác nào một căn bệnh trầm kha. Bệnh này có căn nguyên từ đâu thì hầu như ai cũng biết song bắt tận tay, day tận trán không phải dễ. Sau khi bức xúc trước thực tế “dây dưa tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt được”, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh đây cần là điểm cốt lõi trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Không khỏi xót xa khi thấy những con số ngàn tỉ, chục ngàn tỉ đồng cứ mặc nhiên đội lên từ các công trình xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Đội giá có nghĩa là nguồn vốn rót vào đây đã không được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất. Trong khi đó, vốn xây dựng những con đường, cây cầu lớn hiện nay phần lớn phải đi vay. Vay mà sử dụng không hiệu quả, lãng phí hay thất thoát chắc chắn để lại gánh nặng nợ nần con cháu sau này.
Nếu không chữa được, bệnh đội giá sẽ tích tụ thành trở lực lớn, chưa kể những hệ lụy tiêu cực khôn lường khác, ghìm giữ sự phát triển của đất nước.
Bình luận (0)