Ngày 9-8, ông Nguyễn Đức Tài - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - đã báo cáo UBND tỉnh này về vụ giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà. Cùng ngày, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp đến huyện Lâm Hà chỉ đạo điều tra và thăm hỏi các nạn nhân.
Chém như trong phim!
Theo đó, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 8-8, lực lượng kiểm lâm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (tỉnh Lâm Đồng) gồm 2 cán bộ Trần Văn Cảnh và Nguyễn Song Hào đi kiểm tra tại tiểu khu 243A (thuộc địa bàn xã Phi Tô) thì phát hiện rất đông người đồng bào dân tộc thiểu số thôn Hang Hớt (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) đang chặt phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Hai cán bộ này gọi điện thoại cho đơn vị và UBND xã Phi Tô đề nghị hỗ trợ lực lượng.
Nhận tin, lực lượng chức năng của xã Phi Tô điều động 6 công an viên, 3 dân quân cùng gần 10 cán bộ quản lý bảo vệ rừng tới hiện trường. Lực lượng bảo vệ rừng mời số người đang chặt phá rừng về Trạm Quản lý bảo vệ rừng làm giấy cam đoan không lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp. Tại đây, một phụ nữ bỏ ra ngoài gọi điện thoại cho ai đó. Khi lực lượng bảo vệ rừng rời trạm được 2 km thì bị khoảng 100 người cầm theo rất nhiều hung khí chặn đường.
Biết không thể đối đầu hay giải thích với những người quá khích này, lực lượng chức năng buộc phải quay xe chạy về Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 243A. Tuy nhiên, nhóm người quá khích truy đuổi và chặn tại khu vực thôn Buôn Chuối (xã Mê Linh). Tại đây, hàng chục đối tượng cầm dao phát, kiếm, mã tấu... lao vào tấn công dữ dội lực lượng bảo vệ rừng. Hậu quả, 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban gồm: ông Nguyễn Ái Tĩnh (49 tuổi) bị chém trúng cổ tử vong tại chỗ và ông Tân Khoa bị chém vào đầu nằm gục xuống đất, bất tỉnh. Ông Triệu Văn Hiệp, Phó Ban Lâm nghiệp xã Phi Tô, bị 1 nhát chém bằng mã tấu vỡ mũ bảo hiểm, chấn thương đỉnh đầu. Ông Lò Văn Quyền, Trưởng Công an xã Phi Tô, bị đánh gây thương tích nhẹ và mất 1 khẩu súng bắn đạn cao su. Bảy chiếc xe của tổ công tác, trong đó có 1 xe đặc chủng của lực lượng CSGT, bị những người quá khích phá hỏng. Khi 40 chiến sĩ Công an huyện Lâm Hà được điều đến thì đám đông này mới giải tán.
Điểm nóng
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, ông Triệu Văn Hiệp chưa hết bàng hoàng trước sự việc vừa xảy ra. “Chúng tôi đã bỏ chạy rồi mà họ vẫn truy sát đến cùng. Lúc ấy, tôi đội mũ bảo hiểm chứ không thì cũng chết rồi” - ông Hiệp kể.
Theo bác sĩ Lê Văn Tiến, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, đến sáng 9-8, sức khỏe của 2 cán bộ bảo vệ rừng thoát chết trong vụ truy sát đã dần hồi phục. Ông Khoa bị vết thương trên đầu dài 7 cm gây chấn thương sọ não, tụ máu não, đã được chỉ định mổ cấp cứu vào tối 8-8. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đang được điều trị tích cực và có tiến triển tốt. Riêng ông Hiệp, vết thương trên đầu dài 3 cm nên phải khâu 4 mũi, hiện đã xuất viện.
Ông Nguyễn Đức Tài, cho biết trong ngày 9-8, Huyện ủy, UBND huyện này đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tang lễ cho ông Nguyễn Ái Tĩnh và thăm hỏi gia đình. “Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ. Hiện vẫn chưa xác định được đối tượng cầm đầu vụ này” - ông Tài cho hay. Ngoài ra, để ổn định tình hình, huyện Lâm Hà cũng đang tổ chức vận động đồng bào dân tộc thôn Hang Hớt chủ động đưa con em vi phạm pháp luật ra đầu thú, tố giác tội phạm để phục vụ điều tra.
Ông Tài cho biết thêm khu rừng thuộc tiểu khu 243A phức tạp từ nhiều năm qua. Ba năm trước, UBND huyện chuyển đổi 34 ha đất rừng nghèo ở khu vực này sang đất nông nghiệp và hỗ trợ 100% giống cây trồng cho người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất để canh tác. Tuy nhiên, đồng bào vẫn thường xuyên lấn chiếm đất rừng trái phép.
“Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quốc Trị, đã thốt lên như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều cùng ngày khi nói về việc 3 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban bị những đối tượng quá khích tấn công.
Ông Trị nhấn mạnh rằng đây là hành động vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ có tổ chức và gây hậu quả rất nghiêm trọng. “Cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cần tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật” - ông Trị đề nghị.
Theo ông Trị, đây là vụ phá rừng trồng có quy mô diện tích không nhỏ. “Phá rừng đã là vi phạm pháp luật. Không những thế mà còn tổ chức chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì càng phải xử lý nghiêm minh” - ông Trị khẳng định và cho biết trong ngày 9-8, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Gia tăng chống đối sau lệnh đóng cửa rừng
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng và gay gắt ở một số nơi bởi lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật. Khi bị lực lượng chức năng ngăn chặn phá rừng để lấy gỗ thì những người vi phạm chống đối quyết liệt để cướp lại tang vật.
“Để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ cũng như vi phạm lâm luật, chúng tôi mong chính quyền các cấp phải chỉ đạo cơ quan pháp luật ở địa phương như công an, kiểm sát, tòa án xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm” - ông Trị nhấn mạnh.
Lập đoàn kiểm tra rừng pơ-mu bị chặt phá
Liên quan đến việc báo chí thông tin rừng pơ-mu ở khu vực bản Mường Đán (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt bị chặt phá, trong ngày 9-8, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, dẫn đầu đã làm việc với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Tại đây, ông Hồng yêu cầu làm rõ thông tin chặt phá rừng mà báo chí nêu. Cũng trong ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Quế Phong đã thực địa ở bản Mường Đán để kiểm tra thực tế việc chặt phá rừng. Do khu vực mà báo chí phản ánh có địa hình hiểm trở, giáp biên giới Việt - Lào nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết đoàn kiểm tra vẫn chưa xác định được vị trí có hiện tượng gỗ bị lâm tặc chặt phá.Đ.Ngọc
Xác minh vụ nghi ban quản lý rừng tiếp tay lâm tặc
Đại tá Huỳnh Văn Tào - Trưởng Công an huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh đã chỉ đạo công an vào cuộc vụ “Ban quản lý rừng tiếp tay lâm tặc?” mà Báo Người Lao Động ngày 15-7 phản ánh. Hiện Công an huyện Sông Hinh đã thụ lý hồ sơ và tiếp cận các nguồn tin để điều tra, xác minh vụ việc.
Như Báo Người Lao Động phản ánh, chiều 12-7, tổ công tác của xã EaTrol (huyện Sông Hinh) bắt giữ 1 xe tải chở gần 8 m3 gỗ không có giấy tờ và không đóng dấu búa kiểm lâm, trong đó có những tấm phản lớn, từ rừng Hòn Cồ (xã EaTrol). Ngay sau khi xe gỗ bị bắt, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh đã đến và nhận cho biết số gỗ này là của ban thu gom trên rừng do lâm tặc khai thác trái phép để đưa về xử lý. Dù vậy, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh không đưa ra được giấy tờ nào chứng minh cho điều này. Sau đó, UBND huyện Sông Hinh đã chỉ đạo xã EaTrol bàn giao số gỗ nói trên cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh để đưa về huyện chờ xử lý. Một số cán bộ lâm nghiệp và công an xã bức xúc, nghi ngờ về sự tiếp tay cho lâm tặc của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh trong vụ này.H.Ánh
Bình luận (0)