Ngày 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân.
Hệ mã 12 số có phù hợp?
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết cơ quan thẩm tra xin ý kiến UBTVQH về một số vấn đề liên quan đến thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phương pháp cấp số định danh cá nhân (dự kiến gồm 12 chữ số)…
Mổ xẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - số định danh cá nhân, nhiều thành viên UBTVQH tỏ ra băn khoăn về căn cứ đưa ra để xây dựng mã số định danh công dân 12 số, trong khi nhiều nước chỉ 6-8 số. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - bà Trương Thị Mai - hỏi: “Có Luật Căn cước công dân mà cụ thể là có căn cước công dân thì loại bỏ bao nhiêu giấy tờ, còn bao nhiêu giấy tờ?”.
Đại diện cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó trưởng Ban Soạn thảo Luật Căn cước công dân, cho biết theo Đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 đang được triển khai, nếu luật này được thông qua sẽ bỏ nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh. Ông Vệ phân trần dãy số định danh gồm 12 số nhưng trong đó chỉ có 6 số là thể hiện danh tính công dân, 6 số trước đó là mã hóa các thông tin để phân biệt giới tính, năm sinh, nơi sinh… “Hệ mã 12 số được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến các bộ ngành, các nhà toán học…” - ông Vệ nói.
Là một nhà toán học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - GS Đào Trọng Thi - thẳng thắn: “Nếu xây dựng hệ mã số để mã hóa cá nhân với quy mô dân số 100 triệu người như của Việt Nam tới đây thì tối thiểu dãy số để tránh lặp lại ở mỗi cá nhân cần ít nhất 9 số chứ không phải là 6 số. Tôi băn khoăn cơ quan soạn thảo có hỏi ý kiến các nhà toán học vì không nhà toán học nào lại không biết bài toán lũy thừa đơn giản này”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Khoa giải thích số định danh cá nhân gồm 12 chữ số là phù hợp quy mô dân số trước mắt và lâu dài.
Nên thay CMND và khai sinh bằng thẻ căn cước
Ông Đào Trọng Thi cũng không đồng tình với việc Đề án 896 khẳng định tiếp cận trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử nhưng lại theo cái cách chính quyền cấp và hồ sơ chạy vòng sang Bộ Công an để đẩy dữ liệu vào kho “bằng tay kiểu truyền thống”. Theo ông Thi, quá trình vận hành phải 2 chiều, đó là vừa cập nhật dữ liệu vừa khai thác dữ liệu. “Công nghệ thông tin là phải tác nghiệp tức thì trên hệ thống chứ không phải một ông chủ tịch UBND xã ký rồi chuyển giấy tờ cho một ông khác đánh máy vào và phụ thuộc cả vào ông này. Một đề án lớn như vậy mà không hiểu thì gay lắm” - ông Thi nhận định.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự luật phải nói rõ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những thông tin gì; dữ liệu căn cước, hộ tịch gồm những thông tin gì và phải ghi vào luật một cách minh bạch, mạch lạc. Giấy tờ tùy thân của người dân chỉ là thẻ căn cước; người dân sẽ kê khai để hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin về bản thân và chỉ phải khai một lần. Sau này, các cơ quan nào cần thì cứ truy cập vào kho dữ liệu đó để lấy chứ không đòi hỏi người dân khai đi, khai lại nhiều lần. “Chưa ai hình dung nổi khi luật này ra đời sẽ có gì xảy ra. Đổi mới thì tốt nhưng phải chắc, còn đổi mới mà trục trặc thì không nên đổi làm gì” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng.
Chủ tịch QH ủng hộ việc thay CMND và giấy khai sinh bằng thẻ căn cước. “Từ trước đến nay quá lạm dụng giấy khai sinh. Đi học cũng hỏi, trái tuyến cũng hỏi, chữa bệnh cũng hỏi, già rồi vẫn bị hỏi. Thẻ căn cước phải giải được bất cập này. Nhưng tại sao dự Luật Hộ tịch vẫn níu kéo giấy khai sinh?” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng quan ngại. Chủ tịch QH gợi ý chỉ cần căn cứ vào giấy chứng sinh để cấp thẻ căn cước và 14 năm sau khi đã trưởng thành thì có thêm ảnh và vân tay vào thẻ này. “Giấy kết hôn cũng vậy, chỉ là đăng ký tại ủy ban, vào sổ hộ tịch, chứ đi đâu cũng hỏi giấy kết hôn, vào khách sạn cũng bị hỏi. Làm phức tạp thêm để làm gì?” - Chủ tịch QH đặt hàng loạt câu hỏi yêu cầu cơ quan soạn thảo giải đáp.
Ngoài ra, Chủ tịch QH cho rằng việc kết nối với bảo hiểm, thuế thì rất phức tạp nên nếu như trong đề án nói bỏ sạch đi là không được. “Ví dụ như bên thuế không thể bịa ra một mã số định danh khác với số định danh của thẻ căn cước. Cần tham khảo thêm ý kiến từ ông Đào Trọng Thi” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch.
Bình luận (0)