Thời gian gần đây, tại núi Cấm (giáp ranh phường An Phú và xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam), nơi đang xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, rất nhiều người đổ về khai thác vàng trái phép.
Luôn là điểm nóng
Ngày 6-5, khi chúng tôi vừa đến chân núi Cấm, hàng chục hố khai thác vàng sâu hoắm đã đập vào mắt mình. Ngọn núi gần như bị băm nát, cây cối bị đốn hạ chỉ còn trơ lại gốc. Ngay chỗ đang thi công tượng đài mẹ Thứ cũng có đến 4 hố sâu gần 10 m.
Một cán bộ UBND phường An Phú cho biết dù lực lượng chức năng địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét “vàng tặc”, tịch thu vật dụng… nhưng hết đợt là đâu vẫn vào đấy. “Họ chủ yếu khai thác vào ban đêm hay những lúc mưa gió nên chúng tôi cũng khó kiểm soát nổi” – vị này giải thích.
Để ngăn chặn nạn khai thác trái phép khoáng sản nói chung và vàng nói riêng, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có chỉ thị yêu cầu các địa phương đồng loạt ra quân kiểm tra, kiên quyết xử lý những cá nhân và đơn vị vi phạm.
Bắt cóc bỏ đĩa
Tại Tây Nguyên, tiểu khu 1716 thuộc lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha, huyện Đắk Glong - Đắk Nông là một trong những nơi khai thác vàng trái phép phức tạp nhất. Đầu tháng 5-2011, đến tiểu khu này, chúng tôi vẫn chứng kiến tình trạng khai thác vàng tại đây diễn ra hết sức nghiêm trọng. Hàng chục lều, lán được dựng lên giữa rừng làm nơi ăn nghỉ cho hàng trăm người tìm vàng. Suốt ngày đêm, những người này đã dùng các phương tiện máy móc khoét sâu vào những khu rừng già. Những hố sâu hun hút nối tiếp nhau kéo dài hàng trăm mét; biết bao cây rừng lớn, nhỏ nối nhau ngã xuống.
Ông Lê Tuấn Khang, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha, phân trần: “Trong đợt kiểm tra đầu tháng 5-2011, chúng tôi phát hiện có 4 máy múc cùng trang thiết bị với hàng chục người đang khai thác vàng tại tiểu khu 1716. Do lực lượng quá mỏng mà người khai thác vàng rất manh động nên chúng tôi không thể làm gì ngoài việc báo cáo với chính quyền địa phương”.
Ở Đắk Glong, có ít nhất 3 tiểu khu rừng thuộc các xã Đắk Ha, Quảng Hòa và Quảng Sơn đang bị hàng trăm người dùng phương tiện cơ giới tàn phá để khai thác vàng. Cuối tháng 12-2010, Công an huyện Đắk Glong và Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành truy quét tại tiểu khu 600, xã Quảng Hòa, phá bỏ 23 lán trại, 14 giàn sàng, 38 máy bơm, một số máy thổi không khí vào hầm vàng... Tuy nhiên, mỗi năm lực lượng chức năng chỉ truy quét “vàng tặc” 1-2 lần nên mật độ ấy chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Dòng sông chết Trở lại huyện miền núi Tương Dương - Nghệ An, nơi xảy ra vụ sập hầm vàng làm chết 5 người hồi đầu tháng 5-2011, chúng tôi có cảm giác tai nạn thương tâm này vẫn không làm cho những người tìm vàng chùn tay.
Đoạn sông Lam chảy qua các xã của huyện Tương Dương như: Tam Quang, Tam Đình, Thạch Giám, Yên Hòa, Yên Thắng… luôn có vài chục phương tiện cơ giới và hàng trăm người đào đãi vàng suốt ngày đêm.
Ven sông đầy hố to, hố nhỏ nham nhở; dòng nước đục ngầu trộn lẫn hóa chất độc hại; hai bên bờ sạt lở tạo thành những hàm ếch sâu hoắm… Sông Lam bị cày xới, đồi núi cạnh đó cũng chẳng yên. Ngọn núi Pù Phen đã bị người tìm vàng đào phá tan tành với hàng loạt hầm lớn, nhỏ sâu 10-20 m.
Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, lo lắng: “Sông Lam gắn liền với hoạt động mưu sinh của người dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nạn khai thác vàng trái phép ồ ạt đã làm cho dòng chảy của nó bị thay đổi, môi trường bị hủy diệt. Sông Lam đoạn chảy qua Tương Dương hiện đã trở thành dòng sông chết”. H.Vũ |
Bình luận (0)